Tìm “cánh cửa mới” để giảm áp lực thi cử
Giáo dục - Ngày đăng : 07:00, 08/06/2018
PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam:
Còn nhiều cánh cửa rộng mở
Trước sức ép của kỳ thi vào lớp 10 THPT, các thí sinh đã rất cố gắng để có thể giành một suất vào trường công lập. Tuy nhiên, nếu không thành công thì các em có thể học trường dân lập hoặc lựa chọn hệ giáo dục thường xuyên, đào tạo nghề.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT và Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) đã quyết liệt chỉ đạo hệ thống các trường nghề xây dựng chương trình đào tạo theo mô đun - đây là chương trình dạy học tương đối độc lập được cấu trúc đặc biệt nhằm phục vụ cho người học và chứa đựng mục, nội dung linh hoạt. Sau 3 năm học, học sinh có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng trung cấp chuyên nghiệp, được học liên thông lên hệ cao đẳng... Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp đang cần đội ngũ công nhân lành nghề và đây chính là định hướng đầu ra tốt. Mong rằng, phụ huynh thay đổi được định kiến, quan điểm để đưa ra những lựa chọn đúng đắn, tạo thêm nhiều cánh cửa tương lai cho các em.
Chị Vũ Minh, phường Mộ Lao (quận Hà Đông):
Cần thu hẹp khoảng cách chất lượng đào tạo giữa trường công lập và dân lập
Chủ trương của nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới là tạo cơ hội học tập mở, tạo điều kiện để học sinh được học tập suốt đời. Vậy nhưng, với thông tin chỉ có 66% số học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào các trường THPT công lập khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Hiện nay chất lượng giáo dục giữa trường công lập với trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên... có sự chênh lệch khá lớn. Những trường dân lập chất lượng cao thì không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện để cho con theo học, vì học phí khá cao.
Ở khía cạnh khác, học sinh ở độ tuổi 15 định hướng về nghề nghiệp, nhận thức xã hội còn hạn chế, chưa xác định được sở trường, sở đoản. Hơn nữa, tâm lý độ tuổi này chưa ổn định, vào học tại một môi trường giáo dục tốt, học sinh được rèn luyện sẽ trở thành công dân tốt, nhưng nếu đào tạo trong một môi trường không tốt sẽ cho kết quả ngược lại. Ngành Giáo dục cần quan tâm tới việc giảm áp lực khi tuyển sinh lớp 10 thông qua mở rộng thêm hệ thống trường công lập và giảm dần khoảng cách chất lượng giáo dục giữa cơ sở công lập với dân lập.
Em Nguyễn Quang Anh (học sinh lớp 9, quận Thanh Xuân):
Tâm lý ảnh hưởng đến chất lượng bài thi
Ngay từ đầu năm lớp 9, cháu đã tập trung ôn các môn thi bắt buộc THPT và môn chuyên. Nỗ lực hết mình, học ngày, học đêm nhưng vẫn luôn lo lắng bị trượt. Được biết, trước đây học sinh lớp 9 thi đỗ tốt nghiệp THCS sẽ được dự thi vào THPT và điểm thi chỉ cần đạt trên điểm trung bình (từ 5 điểm trở lên) sẽ được tuyển vào học tại các trường THPT theo phân tuyến. Học sinh thi vào các trường THPT chuyên và chất lượng cao mới phải thi để được vào trường học. Như vậy, cháu thấy học sinh đỡ bị tâm lý căng thẳng khi thi cử hơn.
Với cách tuyển sinh như hiện nay, chúng cháu ít có cơ hội học tại các trường công lập vì các trường này tuyển sinh rất ít, trong khi học sinh rất đông, đặc biệt là năm học 2017-2018. Cháu mong rằng, ngành Giáo dục sẽ có cách nào đó để việc thi cử sẽ không là gánh nặng đối với chúng cháu cũng như các bậc phụ huynh.