Gắn kết lợi ích an ninh
Thế giới - Ngày đăng : 07:23, 09/06/2018
Thủ tướng Nhật S.Abe (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump tại Nhà Trắng. |
Vì vậy, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là nội dung quan trọng trong cuộc thảo luận giữa ông chủ Nhà Trắng và nhà lãnh đạo xứ Mặt trời mọc. Trong đó, Nhật Bản muốn hợp tác với Mỹ để giải quyết vấn đề công dân nước này bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970.
Thủ tướng S.Abe cho biết, ông sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Triều Tiên, trong một nỗ lực nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này cũng như cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản cũng khẳng định không có sự thay đổi nào trong chính sách của nước này đối với việc theo đuổi hòa bình thực sự tại Đông Bắc Á.
Cuộc gặp mặt lần này cũng là dịp để Thủ tướng S.Abe một lần nữa "nhắc nhở" Tổng thống D.Trump rằng Tokyo nằm trong tầm ngắm tên lửa của Triều Tiên khi đối thoại với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore. Cho đến nay, trong khi Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc đánh giá rất cao những diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên, thì Nhật Bản lại có phần e dè hơn. Không phủ nhận thiện chí của Triều Tiên, nhưng Tokyo mong muốn Bình Nhưỡng phải hủy bỏ toàn bộ các chương trình phát triển hạt nhân và đạn đạo.
Thực tế, mặc dù hai nước đã là đồng minh thân cận, nhưng Nhật Bản vẫn có ý lo ngại Mỹ sẽ đề cao những lợi ích riêng khi đàm phán với Triều Tiên. Kể từ sau thông báo về khả năng một cuộc gặp giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, gần như trong hầu hết các phát biểu mình, Thủ tướng S.Abe cũng như các quan chức cấp cao Nhật Bản đều nhắc tới việc Mỹ không nên quên mối an nguy của đồng minh số một tại Châu Á trong tiến trình tìm kiếm một thỏa thuận lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Bằng cách đề nghị gặp Tổng thống D.Trump trước khi ông tới Singapore, ông S.Abe đã một lần nữa làm ông chủ Nhà Trắng “nhớ” đến Tokyo trong các cuộc đối thoại tại Singapore. Nói cách khác, Nhật Bản đang nỗ lực để vấn đề an ninh của nước này không bị tách rời khỏi an ninh của nước Mỹ.
Đối với Thủ tướng Nhật Bản S.Abe, chuyến thăm Mỹ là để nhận được sự bảo đảm rằng, những lo ngại của Nhật Bản sẽ được đưa ra trong cuộc gặp Mỹ - Triều Tiên. Trong khi đó, với Washington, những bảo đảm dành cho Nhật Bản trong vấn đề hạt nhân tại Đông Bắc Á sẽ ít nhiều giúp Mỹ không bị "cô lập hoàn toàn" tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) khai mạc ngày 8-6, tại Canada. Quyết định của chính quyền Tổng thống D.Trump áp thuế nhập khẩu nhôm và thép đã đặt nước này vào thế đối đầu với chính các đồng minh truyền thống như Liên minh Châu Âu, Canada.
Theo các nhà phân tích, dù chắc chắn Nhật Bản không thể chung quan điểm với Mỹ trong vấn đề thương mại, song chí ít cũng sẽ không để Mỹ đơn độc tại hội nghị G7 lần này. Thế nên, phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng S.Abe sau cuộc gặp tại Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump đã cam kết sẽ đề cập các mối quan tâm của Nhật Bản với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.
Mặc dù con đường phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ còn kéo dài, nhưng những chuyến công du dày đặc của Thủ tướng S.Abe tới Mỹ trong thời gian gầy đây thể hiện Nhật Bản mong muốn đóng góp vai trò vào tiến trình này cũng như giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Tokyo với Bình Nhưỡng.