Ủng hộ Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang
Chính trị - Ngày đăng : 06:53, 09/06/2018
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Dương Minh Ánh phát biểu thảo luận. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Với 88,3% tổng số đại biểu có mặt tán thành, dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 8-6. Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội (Đoàn Lào Cai), Cảnh sát biển chấp pháp trên biển, còn bộ đội biên phòng chấp pháp trên đất liền. Cả hai đều liên quan đến công tác phòng thủ đất nước, khi có chiến tranh, đất nước bị tấn công thì Cảnh sát biển, biên phòng bao giờ cũng là lực lượng chủ lực.
Biên phòng từ trước đến nay là lực lượng vũ trang thì Cảnh sát biển không thể nằm ngoài lực lượng vũ trang. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ cũng khẳng định, mỗi quốc gia có cách nhìn nhận và thể hiện khác nhau về lực lượng chấp pháp trên biển. Việt Nam không cần áp đặt luật của nước khác vào luật của mình.
Đồng quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cũng cho rằng: Với Cảnh sát biển, khi có xung đột vũ trang hay các tình huống liên quan đến an ninh chủ quyền, quyền tài phán quốc gia thì đây là lực lượng chấp pháp, thực thi. Vì thế, dự thảo Luật Cảnh sát biển ghi rõ Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang là phù hợp.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Bình (Đoàn Hải Phòng) nhìn nhận, thực tế thời gian qua, Cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ trong điều kiện phải đấu tranh với các diễn biến ngày càng phức tạp của các hoạt động xâm phạm chủ quyền, các hành vi vi phạm luật pháp của các đối tượng có vũ trang trên biển. Luật An ninh quốc gia cũng khẳng định, Cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia. Như vậy, việc quy định Cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ sự đồng tình với quy định cụ thể về thẩm quyền, chức năng của Cảnh sát biển tại dự án luật. Bởi trong bối cảnh nước ngoài tăng cường diễn tập, tôn tạo các đảo, sử dụng tàu thuyền xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân ta..., an ninh vùng biển “nóng” lên. Thậm chí, một số nước còn cho nâng cấp tàu du lịch, đưa các tàu này ra thăm thường xuyên ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam thì việc quy định rõ thẩm quyền chức năng của lực lượng Cảnh sát biển là cần thiết.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn Ninh Bình) lại cho rằng, quy định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang sẽ tạo ra các tình huống nhạy cảm. Nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc cũng có lực lượng chấp pháp trên biển nhưng các nước này không thể hiện là lực lượng vũ trang. Nếu chúng ta thể hiện trong luật như thế thì cộng đồng quốc tế sẽ cho rằng Việt Nam đang sử dụng lực lượng vũ trang vào các mối quan hệ trên biển.
Tranh luận lại ngay sau đó, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc đã được Quân ủy trung ương nước này đưa về Ủy ban Quân sự chứ không còn để ở Cục Hải dương nữa. Cảnh sát biển của Nhật Bản cũng đã được đưa vào lực lượng phòng vệ quốc gia. Chúng ta quy định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang sẽ không ngại gì với quốc tế.
Thêm vào đó, trong tình hình biển phức tạp hiện nay, nếu không tăng cường sức mạnh thì sẽ đánh mất vai trò của lực lượng Cảnh sát biển. Bởi Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang không chỉ là tham gia công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, chống cướp biển mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia trên biển. Việc sử dụng Cảnh sát biển sẽ không làm tăng tính nhạy cảm.
Ghi nhận, đánh giá cao ý kiến các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, các cơ quan hữu quan sẽ nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ sáu theo quy định.