Đưa thi đua ái quốc lên tầm cao mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:03, 10/06/2018
Để có được Thủ đô phát triển như hiện nay, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã và đang tiếp tục vận dụng sáng tạo những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; cụ thể hóa “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” bằng những mục tiêu cụ thể, đối tượng rõ ràng và cách thức, biện pháp tổ chức linh hoạt, hiệu quả.
Tiêu biểu là từ phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” của Thủ đô, đã xuất hiện hàng vạn tấm gương điển hình tiên tiến được tôn vinh, nhân rộng. Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội đã phát động nhiều phong trào thi đua, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức triển khai phù hợp với thực tiễn.
Hoạt động này được cụ thể hóa trong từng năm, xác định rõ chủ đề, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, như: “Năm trật tự văn minh đô thị” triển khai từ năm 2014; “Năm kỷ cương hành chính 2017” và “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị năm 2018”.
Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với phong trào thi đua “Xây dựng Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”… Những phong trào đó đã mang lại hiệu quả tích cực đối với đời sống xã hội của Thủ đô.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua cũng là dịp để Hà Nội đánh giá kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục mở ra một giai đoạn mới của phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là trong bối cảnh Thủ đô đang không ngừng phát triển và hội nhập.
Để Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về phát động, thực hiện một cách sáng tạo và hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cấp, ngành, đơn vị cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn chặt với việc khơi dậy lòng tự hào và tinh thần yêu nước, truyền thống Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đồng thời đổi mới mạnh mẽ hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng người, đúng việc, lan tỏa rộng khắp tới tất cả các giai tầng, các đối tượng trong xã hội.
Trong quá trình phát triển, các phong trào thi đua phải gắn với sự sáng tạo, phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao đời sống nhân dân; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội… Qua các phong trào thi đua, “những hạt giống đỏ” sẽ nảy mầm để tạo động lực cho mọi mặt của đời sống phát triển không ngừng.
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân của Thủ đô cần nhận thấy rằng, càng khó khăn càng phải thi đua thật tốt, qua đó tạo nguồn động lực to lớn hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ, đoàn kết, sáng tạo và đổi mới.