Dấu ấn của những giải pháp mạnh
Du lịch - Ngày đăng : 07:19, 10/06/2018
Khách du lịch nước ngoài tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Lê Tuấn |
Triển khai nhiều giải pháp
Trong năm 2017, du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 2,9 triệu lượt khách, tương đương 29,1%; phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt gần 511.000 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2016. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến Việt Nam, khách du lịch nội địa trong 5 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh. Du lịch Việt Nam được xếp thứ 6 trong 10 nước có tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới và đứng đầu Châu Á về tốc độ phát triển du lịch.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, kết quả đó có được là nhờ có nhiều chính sách đúng đắn, kịp thời. Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì chương trình xúc tiến du lịch tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cách đây 3 năm đến nay đã phát huy hiệu quả. Nếu như năm 2015, khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt khoảng 1,7 triệu lượt người, thì đến năm 2017 đã tăng lên hơn 4 triệu lượt. Trong 5 tháng đầu năm 2018, đã có 2,15 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Dưới góc độ của người làm trực tiếp về du lịch, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Trans Tour cho rằng, việc tăng trưởng này là sự cụ thể hóa rõ nhất những chính sách của chúng ta đối với ngành Du lịch. Đặc biệt, chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu theo từng năm trong thời gian trước và sắp tới là 3 năm liền đã tác động rất tốt đến tâm lý khách, từ đó "hút" khách tới Việt Nam đông hơn. Mặt khác, các hoạt động xúc tiến du lịch đã và đang được triển khai rộng khắp cũng là lực đẩy cho lĩnh vực này phát triển.
Điển hình, TP Hà Nội đã tổ chức quảng cáo về du lịch Thủ đô trên CNN và liên tục xúc tiến du lịch ở nước ngoài, các thị trường trong nước. Đồng thời, Hà Nội cũng tạo nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách như đưa vào hoạt động các phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm, quận Tây Hồ. Gần đây nhất, Hà Nội đã đưa vào hoạt động xe buýt 2 tầng, mui trần - một mô hình quen thuộc ở nhiều nước nhưng mới mẻ ở Hà Nội.
Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực du lịch cũng chú trọng tiếp cận khách hàng thông qua các phương tiện thông tin, truyền thông, tận dụng tối đa thành tựu khoa học - công nghệ. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận định, chính thương hiệu “điểm đến an toàn” được đẩy mạnh và quảng bá rộng rãi đã giúp lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh qua từng năm…
Cần có nhiều sản phẩm đặc sắc
Du khách quốc tế tham quan Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Năm 2018, mục tiêu của ngành Du lịch Việt Nam là đón từ 15 đến 17 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ từ 68 đến 70 triệu lượt khách nội địa và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 620.000 tỷ đồng, tương đương 27,5 tỷ USD.
Các chuyên gia về lĩnh vực du lịch đều nhận định, mục tiêu này có cơ sở để hoàn thành. Song, điều quan trọng là tăng lượng khách quốc tế ở thị trường nào? Theo ông Phùng Quang Thắng, Châu Âu, Châu Đại Dương và Châu Mỹ vẫn là những thị trường đầy tiềm năng, do khách ở những nước này thường chi tiêu cao, lại có ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm đến du lịch nội địa để kích cầu tiêu dùng trong nước. Việc nới lỏng thủ tục xuất nhập cảnh, thực hiện làm visa điện tử hay miễn visa sẽ kéo lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, song đó cũng chỉ là một trong nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt nhìn nhận, khách đông thì phải mang lại nguồn thu lớn, chứ khách đông mà thu ít thì rõ ràng chất lượng sản phẩm du lịch có vấn đề. Do vậy, cần phải có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, bên cạnh những sản phẩm cơ bản.
Mới đây, khi đưa khách và một số đối tác khảo sát tại buổi trình diễn vở "Tinh hoa Bắc Bộ" ở Sài Sơn (Quốc Oai), ông Nguyễn Tiến Đạt thực sự ấn tượng và tin rằng, đó là sản phẩm tốt, có thể bù đắp khoảng trống cho khách du lịch đến Hà Nội vào các buổi tối trong tuần. Đây là minh họa rõ nhất về sự đổi mới và làm phong phú các sản phẩm du lịch.
Đối với việc mua sắm của khách du lịch cũng cần được đầu tư để tăng lựa chọn cho khách, bởi đây là nguồn thu quan trọng, giúp ngành Du lịch thực hiện được vai trò mũi nhọn, có thể đóng góp 10% vào tổng sản phẩm quốc nội.
Ông Phùng Quang Thắng cho rằng, để thúc đẩy nguồn thu, phần mua sắm là rất quan trọng, bởi du khách cần mua hàng bản địa có chất lượng cao. Đó là vấn đề đang còn tồn tại của du lịch nước ta, khi vẫn còn không ít làng nghề nhưng lại không bán sản phẩm có xuất xứ của địa phương, mà lại bán sản phẩm làm từ nơi khác. Làm như vậy, du khách chỉ đến một lần và ngành Du lịch sẽ mất nguồn thu. Vấn đề là phải chứng minh được hàng bản địa và có chất lượng cao thì mới có nguồn thu tốt.
Với nhiều giải pháp được thực hiện, ngành Du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2018. Vấn đề quan trọng là phải thực hiện triệt để các giải pháp, thay vì thực hiện nửa vời.