Lục Ngạn - mùa quả ngọt
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:39, 10/06/2018
Thu hái vải sớm tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. |
Bài đầu: Cuộc sống vươn xanh từ cây vải
Được coi là vựa vải thiều lớn nhất cả nước, vải thiều Lục Ngạn là một trong những nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của ngành Nông nghiệp Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài cung ứng cho thị trường trong nước, trái cây này đã xuất khẩu tới Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia… và được đánh giá cao. Đặc biệt, diện tích trồng vải theo quy chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP đang tiếp tục được mở rộng…
Rộn ràng vào mùa
Đỏ rực, thơm nức - những vườn vải thiều bạt ngàn dọc hai bên đường ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn khiến ai đi qua đây cũng phải trầm trồ. Đang chăm sóc vườn vải chuẩn bị thu hoạch, ông Nguyễn Thanh Toàn ở thôn kép 1, xã Hồng Giang chia sẻ: “Năm nay thời tiết, khí hậu thuận lợi, vải cho năng suất, chất lượng cao hơn mọi năm. Với 0,8ha vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến cho năng suất khoảng 8 tấn”.
Chiều 7-8, khi chúng tôi hỏi về thông tin xuất hiện trên mạng xã hội thời gian qua cho rằng “vải thiều giá bán xuống thấp”, ông Toàn cười: “Hiện vải vào giai đoạn chín cuối, hơn chục ngày nữa mới "xuống nước", độ chín đạt chuẩn, mới thu hoạch. Vì thế, thời điểm này chưa có vải thiều chuẩn để bán nên nói giá xuống thấp là không đúng sự thật. Vải đang bán tại Bắc Giang là loại chín sớm. Những giống này chất lượng không bằng vải thiều nên giá thấp là bình thường”.
Ở vườn kế bên, anh Nguyễn Hữu Tạo (cùng thôn) cho biết, vải thiều Bắc Giang có đặc tính rất riêng do thổ nhưỡng đồng đất Lục Ngạn đã tạo cho vải độ ngọt vừa, nhiều nước, mùi thơm đặc trưng, hạt nhỏ đen bóng, cùi dày, vỏ mịn…
“Cùng giống vải thiều, nhưng trồng tại địa phương khác, chất lượng quả sẽ thay đổi. Người Bắc Giang nói chung và nông dân huyện Lục Ngạn nói riêng vẫn ví cây vải thiều là “cây thần đất” bởi cây hội tụ được tinh hoa của đất - trời Bắc Giang” - anh Tạo tự hào chia sẻ và cho biết thêm: Với 0,5ha trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến năm nay vườn vải cho sản lượng hơn 7 tấn. Hiện, một số thương lái bắt đầu đến thăm vườn và đặt mua,...
Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn cho biết: Toàn huyện có 11.423ha/15.290ha vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, khoảng 218ha trồng đạt chuẩn GlobalGAP. Năm nay vải được mùa, chất lượng và sản lượng tăng. Hiện, vải thiều Lục Ngạn không những nổi tiếng trong nước mà còn được người tiêu dùng thế giới đánh giá cao. Năm 2017, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến sản lượng vải thiều Lục Ngạn, tuy nhiên sản lượng xuất khẩu vẫn đạt khoảng 26 nghìn tấn, doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD.
Năm 2018, tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn ước đạt khoảng 90 nghìn tấn, trong đó vải sớm khoảng 13 nghìn tấn, vải chính vụ khoảng 75 nghìn tấn. Đầu tháng 6-2018 đã thu hoạch vải sớm; từ ngày 15-6 đến 30-7 sẽ thu hoạch vải chính vụ. Với sức tiêu thụ và thị trường ngày càng mở rộng, vải thiều góp phần nâng vị thế của huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nông sản chiến lược
Không riêng Lục Ngạn, dọc con đường về huyện Lục Nam, Tân Yên… cũng được điểm tô bằng những vườn vải trĩu quả đỏ au. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng, toàn tỉnh có hơn 28.000ha trồng vải thiều, chiếm 60% diện tích cây ăn quả trên địa bàn, trong đó, huyện Lục Ngạn có diện tích lớn nhất với khoảng 15.290ha; còn lại là các huyện: Lục Nam với 5.900ha, Yên Thế 2.203ha… Vải chín sớm khoảng 6.000ha, chiếm 20,6% diện tích, còn lại là vải thiều chính vụ.
Năm 2018, diện tích vải thiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hơn 13.500ha, sản lượng ước đạt hơn 91.000 tấn, trong đó, diện tích vải được chứng nhận VietGAP là hơn 1.689ha; tiếp tục tổ chức sản xuất 18 mã vùng trồng vải (được Mỹ cấp mã số) với diện tích 218ha tại 6 xã thuộc huyện Lục Ngạn, ước tính sản lượng khoảng 1.600 tấn. Những diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP cho chất lượng quả rất cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ông Tùng cho biết thêm: Năm nay, thời tiết thuận lợi, hầu hết các vườn vải đều được mùa, chất lượng tốt, dự kiến tổng giá trị ước đạt 3.000-3.500 tỷ đồng. Hiện 50% vải Bắc Giang được tiêu thụ trong nước, còn lại là xuất khẩu...
Đặc biệt, nguồn lực từ quả vải đã góp phần quan trọng thúc đẩy các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của Bắc Giang phát triển. Chị Nguyễn Thị Lan (một trong những hộ chuyên đóng gói vải thiều cho thương lái xuất bán đi các nước) cho biết, nhờ cây vải, đời sống của người dân địa phương ngày càng ổn định và được nâng lên. Hiện là thời điểm đầu vụ, trung bình mỗi ngày, cửa hàng của chị Lan đóng khoảng 300 thùng xốp, mỗi thùng khoảng 10kg vải cho các thương lái...
"Ngoài giá trị kinh tế từ quả vải, tổng doanh thu từ những dịch vụ khác đi kèm ước đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bởi vậy, với người dân Bắc Giang, cây vải đã, đang và tiếp tục gắn liền với truyền thống sản xuất, sự phát triển kinh tế của địa phương..." - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Cao Văn Hoàn khẳng định.
(Còn nữa)