Nắm bắt những cơ hội từ CeBIT
Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 11/06/2018
Nhân dịp này, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cũng tổ chức đưa một đoàn doanh nghiệp Việt Nam tới CeBIT. Là sự kiện thường niên được tổ chức liên tục nhiều năm qua, CeBIT là nơi gặp gỡ, tìm kiếm đối tác giữa các doanh nghiệp CNTT trên toàn thế giới, là cơ hội để tìm hiểu thị trường Châu Âu.
CeBIT sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 15-6 tại Hannover (Đức). |
Tại CeBIT năm nay, Ban Tổ chức đã xây dựng một chương trình có nhiều đổi mới so với những năm trước đây nhằm đáp ứng xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0, với chủ đề chính "Generation Y" (tạm dịch là Thế hệ Y). Đây là thế hệ được sinh ra vào những năm 1980, 1990 đã lớn lên trong sự phát triển của CNTT và kỹ thuật số. CeBIT 2018 được chia làm 4 phần chính: d!conomy; d!tec; d!talk và d!campus.
Trong đó, d!conomy là góc dành cho việc số hóa doanh nghiệp và chính phủ; d!tec, tập trung vào tương lai kỹ thuật số và công nghệ mới nổi; d!talk bao gồm các buổi hội thảo, trao đổi về các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội phát sinh từ xu hướng số hóa; d!campus sẽ là nơi gặp gỡ đầy tiềm năng giữa các doanh nghiệp toàn cầu.
Tham gia CeBIT, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp cận, nắm bắt thông tin về những sản phẩm về CNTT mới nhất mà còn có thể tìm kiếm, thiết lập quan hệ đối tác với nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Hiện nay, bên cạnh yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam còn là địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Trong báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ gia công công nghệ thông tin tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2016”, Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn Gartner cho rằng, Việt Nam nằm trong top 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo xếp hạng của Hãng tư vấn toàn cầu AT Kearney, năm 2017, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 55 quốc gia hấp dẫn nhất về chỉ số định vị dịch vụ toàn cầu (GSLI).
Không phải ngẫu nhiên mà trong các diễn đàn lớn của thế giới thời gian gần đây như: Diễn đàn Kinh tế Davos, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)..., chủ đề Cách mạng công nghiệp 4.0 lại được bàn thảo sôi nổi đến vậy. Đây là xu thế lớn của toàn thế giới khi sự phát triển về khoa học - công nghệ sẽ tạo thêm động lực cho kinh tế toàn cầu. Giới phân tích nhận định, trung tâm của cuộc cách mạng là CNTT và internet kết nối vạn vật (IoT).
Do đó, cuộc cách mạng đang vẽ lại bản đồ kinh tế toàn cầu với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có thể tận dụng cơ hội này để xây dựng chiến lược rút ngắn khoảng cách, theo kịp với xu hướng thế giới, mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển.
Làm thế nào để Việt Nam không lỡ “con tàu Cách mạng công nghiệp 4.0”? Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, phải tranh thủ cơ hội, đồng thời có giải pháp hạn chế thách thức của cuộc cách mạng đang diễn ra mạnh mẽ này. Các cấp, các ngành phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về Cách mạng công nghiệp 4.0 tới toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, tổ chức.
Việc các doanh nghiệp tham dự các triển lãm, gặp gỡ giao thương với các hiệp hội doanh nghiệp về CNTT trên toàn thế giới - trong đó có CeBIT 2018 - là một cách giúp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm để bắt kịp xu hướng phát triển trong lĩnh vực này.