Thông qua dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi): Giữ nguyên hình thức tố cáo hiện hành

Đời sống - Ngày đăng : 10:30, 12/06/2018

(HNMO) - Với 468/469 đại biểu tán thành (chiếm 96,10%) sáng 12-6, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

Các đại biểu bấm nút thông qua nhiều dự án Luật quan trọng trong sáng 12-6.


Dự thảo Luật được thông qua gồm 9 chương, 67 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, về hình thức tố cáo (được quy định tại Điều 22 dự thảo Luật), qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đề nghị giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại…

Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành.

Tuy nhiên, đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật (Điều 25 của dự thảo Luật).

Tỷ lệ đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).


Một nội dung quan trọng khác nhận được nhiều tranh luận của đại biểu khi thảo luận về dự thảo Luật này là về bảo vệ người tố cáo. Về đối tượng và phạm vi bảo vệ (Điều 47), có ý kiến đề nghị giữ đối tượng được bảo vệ như Luật hiện hành.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được bảo vệ là người cung cấp thông tin, người làm chứng, người nắm giữ các tài liệu quan trọng liên quan đến nội dung tố cáo, người trực tiếp xác minh và người giải quyết tố cáo...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Điều 47 của dự thảo Luật xác định đối tượng được bảo vệ theo hướng làm rõ phạm vi “người thân thích của người tố cáo” trong quy định của Luật hiện hành. Quy định này vừa kế thừa Luật hiện hành, vừa bảo đảm tính cụ thể, chặt chẽ của điều luật, đồng thời tập trung nguồn lực cho công tác bảo vệ, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết tố cáo.

Đối với các đối tượng khác, pháp luật hiện hành vẫn có đủ cơ chế để bảo vệ khi quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về căn cứ để yêu cầu, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là các vấn đề rất cụ thể, đa dạng trong thực tiễn, do đó xin Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của công tác bảo vệ.

Trước ý kiến đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, việc xác định nội dung bảo vệ (tại Chương VI) là căn cứ vào các quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ mà không phụ thuộc vào địa điểm cần bảo vệ. Do đó, Khoản 3, Điều 47 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng không quy định về địa điểm bảo vệ.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, nội dung tại Điều 22 và 47 được biểu quyết riêng và nhận được sự tán thành của đại biểu với tỷ lệ cao.

Cũng trong sáng 12-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2019, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành (bằng 92,2%). Theo đó, Quốc hội nhất trí giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp.

Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018”.

Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018”.

Cũng tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Bảo Hân