Cần cái "bắt tay" hiệu quả

Kinh tế - Ngày đăng : 07:35, 12/06/2018

(HNM) - Nhiều năm qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã được các địa phương, đơn vị thực hiện dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Hoạt động này không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, mà còn tạo nên chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng, qua đó giúp hàng Việt có vị trí vững vàng hơn trên “sân nhà”.

Lợi ích của những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã rõ, thế nhưng không phải phiên chợ nào cũng diễn ra suôn sẻ. Tại nhiều phiên chợ ở khu vực ngoại thành Hà Nội, người dân mua sắm rất nhiệt tình. Phấn khởi vì hàng Việt đã đến được với người tiêu dùng, nhưng đơn vị tổ chức sự kiện lại không khỏi chạnh lòng. Theo phản ánh của những doanh nghiệp nhiều năm đồng hành với chương trình này, không phải phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nào cũng được địa phương tạo điều kiện. Thậm chí, có nhiều phiên chợ, doanh nghiệp đã phải dựng tạm lều bạt để tổ chức. Bù lại, công sức của doanh nghiệp là sự chào đón nhiệt tình của bà con với hàng Việt.

Trong bối cảnh Việt Nam đã, đang hội nhập với kinh tế thế giới, thị trường bán lẻ của Việt Nam đã mở cửa. Hàng hóa nhập khẩu với chất lượng và giá thành cạnh tranh đã trở thành những “đối thủ” nặng ký của hàng Việt. Để giành được vị thế tại thị trường nội địa, ngoài nỗ lực của ngành Công Thương, rất cần sự chung tay, góp sức của những doanh nghiệp có tâm huyết và sự ủng hộ, tạo điều kiện của các địa phương. Khi có sự “bắt tay, hợp tác” chặt chẽ của các bên liên quan, hàng Việt sẽ có thêm cơ hội trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành được vị trí xứng đáng tại thị trường nội địa. Kết quả này không chỉ giúp người dân được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, mà còn giúp các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Thanh Hiền