Thêm "trụ cột" mới, VNPT quyết tâm bứt phá về công nghệ thông tin
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 17:49, 12/06/2018
Từ những phần mềm phục vụ nhu cầu địa phương.
Trước năm 2014, VNPT gần như là con số "0" trên bản đồ CNTT Việt Nam, bởi lúc đó Tập đoàn chỉ tập trung vào cung cấp các dịch vụ viễn thông truyền thống. Đội ngũ kỹ sư CNTT của VNPT nằm rải rác trong các đơn vị thành viên và VNPT 63 tỉnh, thành với nhiệm vụ chính là xây dựng và quản trị các phần mềm phục vụ nhu cầu về điều hành sản xuất kinh doanh của chính VNPT.
Ngoài ra, đội ngũ này cũng xây dựng một số sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cơ quan hành chính, doanh nghiệp ở địa phương. Một số sản phẩm đã được ra đời trong giai đoạn này như phần mềm về giáo dục (vnEdu) được triển khai ban đầu tại Thanh Hóa hay phần mềm cho bệnh viện (VNPT-HIS) tại Tiền Giang.
vnEdu ban đầu chỉ là phần mềm dành cho việc quản lý chuyên môn nghiệp vụ của nhà trường được VNPT Thanh Hóa phát triển để cung cấp cho các trường học trong tỉnh. Sau đó, sản phẩm này liên tục được mở rộng tính năng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của không chỉ giáo viên, nhà trường mà cả nhu cầu quản lý của sở, phòng giáo dục đào tạo.
Đến hệ sinh thái mang tầm quốc gia...
Tuy nhiên, cùng với nhu cầu bức thiết về tin học hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ trong các lĩnh vực, đặc biệt là y tế và giáo dục, các phần mềm trên đã nhanh chóng được nâng cấp để triển khai mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và trở thành các hệ sinh thái bao trùm một lĩnh vực.
Sau nhiều lần mở rộng và nâng cấp về công nghệ, đến nay vnEdu đã trở thành mạng giáo dục số 1 tại Việt Nam về thị phần và đã được triển khai khắp 63 tỉnh, thành phố với 12.800 trường học trên cả nước sử dụng hệ thống quản lý thông tin nhà trường, 5 triệu hồ sơ học sinh, 650.000 giáo viên và 2.000 website của các trường học.
Sau vnEdu, nhiều sản phẩm CNTT mang thương hiệu VNPT đã ra đời và được ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, VNPT HIS - giải pháp giúp ngành y tế số hóa công tác khám chữa bệnh.
Hiện VNPT-HIS đã được triển khai cả 4 cấp từ trung ương đến các tỉnh, huyện, xã. VNPT đã triển khai phần mềm quản lý y tế cho 7.210 cơ sở y tế trên cả nước.
Với chính phủ điện tử, giải pháp eGov đã được triển khai chính thức cho 49/63 tỉnh, thành phố theo đúng khung quy chuẩn. Hệ thống một cửa liên thông iGate của VNPT đã được triển khai trên 25/63 tỉnh, thành phố. Những giải pháp trong từng lĩnh vực đó đang từng bước cấu thành nên nền tảng Smartcity của VNPT đã được nhiều địa phương lựa chọn thử nghiệm và triển khai…
Và sứ mệnh chuyển đổi số cho nền kinh tế
Đến nay, lĩnh vực CNTT của VNPT đã tạo được những dấu ấn rõ nét trên bản đồ CNTT Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ đó khiến mô hình phân tán về lực lượng IT đã không còn phù hợp cho sự phát triển mới của Tập đoàn VNPT. Công ty VNPT-IT ra đời như một tất yếu khi sự tích lũy về "lượng" đã đủ lớn và đòi hỏi một thay đổi về "chất".
Tháng 3-2018, công ty VNPT-IT được Tập đoàn VNPT chính thức thành lập. VNPT-IT có nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển tích hợp các giải pháp công nghệ thông tin-truyền thông phục vụ khách hàng. Đây là trụ cột thứ 5 của VNPT bên các cạnh trụ cột về Hạ tầng (VNPT-Net), Kinh doanh (VNPT-Vinaphone), Truyền thông (VNPT-Media), Công nghệ công nghiệp (VNPT-Technology).
Ra đời trong giai đoạn bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT-IT mang trên mình sứ mệnh đưa VNPT trở thành Nhà cung cấp dịch vụ số (Digital Services) hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số (Digital Hub) tại thị trường khu vực và thế giới.
Tại Việt Nam, VNPT-IT phải định vị lại vị trí của VNPT trên bản đồ CNTT bằng mục tiêu chuyển đổi số cho nội tại Tập đoàn, và đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số của cả nền kinh tế.
“VNPT-IT phải là hạt nhân, lực lượng nòng cốt trong chuyển đổi số của VNPT. VNPT là trung tâm của chuyển đổi số của Việt Nam. Để làm được điều đó, trước tiên VNPT-IT cần chuyển đổi số trong nội bộ VNPT”, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết.
Với sứ mệnh đó, ngay khi thành lập, hơn 1.000 kỹ sư CNTT nòng cốt từ nhiều đơn vị trong Tập đoàn đã được tuyển chọn về làm việc tại công ty. VNPT-IT được tổ chức gồm các Trung tâm giải pháp phát triển sản phẩm, các Trung tâm vùng và 1 trung tâm sáng tạo chuyên nghiên cứu thử nghiệm các phần mềm, công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo kế hoạch, VNPT-IT sẽ phải đạt 5.000 kỹ sư CNTT trong một vài năm tới để đáp ứng mục tiêu phát triển CNTT và chiến lược VNPT 3.0 của Tập đoàn.
“Với mục tiêu chuyển dịch số và chiến lược VNPT 3.0, hiện nay tập đoàn giao nhiệm vụ chiến lược cho VNPT-IT chuyển dịch số của Tập đoàn và đẩy mạnh phát triển CNTT. Đây là thách thức rất lớn cho dù trong 4 năm qua, mảng CNTT của chúng ta đã làm được nhiều việc và giúp VNPT có được sự hiện diện trên thị trường CNTT Việt Nam. Để có thể thực hiện được sứ mệnh này, VNPT-IT sẽ phải xây dựng một nền tảng phát triển hiện đại, chuyên nghiệp. VNPT-IT cần tập trung để đảm bảo quy tụ sức mạnh về lực lượng CNTT không chỉ của VNPT-IT mà cả lực lượng CNTT tại 63 tỉnh, thành phố”, Tổng Giám đốc VNPT-IT, ông Ngô Diên Hy nhận định.
Đồng thời, ông Hy cho biết sẽ tập trung xây dựng đội ngũ phát triển công nghệ AI, blockchain… vào các sản phẩm của VNPT, để các sản phẩm trở nên thông minh hơn.
“Con đường còn rất dài và chúng ta sẽ thực hiện từ những việc nhỏ, tạo những thành công trong ngắn hạn để tạo những thay đổi mạnh mẽ trong quá trình phát triển của VNPT-IT”, ông Ngô Diên Hy chia sẻ.