Bộ trưởng Tư pháp Anh bất ngờ từ chức để phản đối chính sách Brexit

Thế giới - Ngày đăng : 07:27, 13/06/2018

Ngày 12-6, Bộ trưởng Tư pháp Anh Phillip Lee đã từ chức trước thềm một cuộc tranh luận quan trọng của Quốc hội về dự luật liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Bộ trưởng Tư pháp Phillip Lee từ chức. Nguồn: Financial Times


Bộ trưởng Lee theo đường lối bảo thủ đã từ chức để có thể lên tiếng phản đối chính sách Brexit của Chính phủ. Mặc dù lấy làm tiếc khi phải từ chức, song ông Lee cáo buộc Chính phủ đang tìm cách hạn chế vai trò của Quốc hội trong việc định hình tiến trình Anh rời khỏi EU và rằng chính sách Brexit mà Chính phủ đang theo đuổi trên cơ sở cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 đang gây tổn hại cho người dân Anh. Ông đồng thời bày tỏ tin tưởng cần phải có nhiều sự thay đổi lớn để tiến trình Brexit diễn ra thành công.

Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Lee đã kêu gọi Chính phủ công bố các đánh giá về những tác động của Brexit đối với nền kinh tế, đồng thời đề xuất Chính phủ thay đổi chính sách trong các cuộc đàm phán với EU.

Việc Bộ trưởng Lee từ chức là một thông tin bất lợi đối với Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu quan trọng về dự luật Brexit tại Hạ viện. Dự kiến, Chính phủ mong manh của bà May sẽ phải nỗ lực đánh bại một cuộc nổi loạn của các nghị sĩ ủng hộ EU và đảo ngược những thay đổi đối với một phần quan trọng của dự luật Brexit khi vấn đề này được đưa ra thảo luận trước Hạ viện vào ngày 12-6. Chính phủ hiện đang tìm cách chống lại các thay đổi này, vốn nhằm mục đích nới lỏng các điều khoản Brexit, do lo ngại vị thế thương lượng bị suy yếu.

Trước đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis cũng cảnh báo các nghị sĩ đối lập của đảng Bảo thủ rằng những đề xuất trao quyền cho Quốc hội trong việc chỉ đạo các cuộc đàm phán với EU đơn giản là một mưu toan nhằm hủy hoại các kết quả trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016 về Brexit. Ông Davis nhấn mạnh "đấy là quyết định của người dân Anh" và sẽ không có việc thay đổi quyết định rời khỏi EU bất kể kết quả các cuộc đàm phán "ly hôn" với khối này như thế nào.

Đầu tháng 5 vừa qua, Thượng viện Anh đã bỏ phiếu thông qua điều khoản cho phép Quốc hội ngăn chặn hoặc trì hoãn thỏa thuận Brexit cuối cùng. Cơ quan lập pháp này cho rằng dự luật rút khỏi EU chỉ là văn kiện kỹ thuật nhằm biến luật của EU thành luật Anh và đảm bảo tiến trình Brexit diễn ra thuận lợi. Chính phủ Anh đã bày tỏ thất vọng trước các quyết định có thể cản trở hoặc trì hoãn tiến trình này của Thượng viện Anh.

Theo Tin tức