Dùng mạng xã hội chống... tội phạm!
Đời sống - Ngày đăng : 06:18, 13/06/2018
Người dân nhiệt tình hưởng ứng
Khi biết thông tin phường bắt đầu triển khai mô hình cùng người dân phòng, chống và tố giác tội phạm qua mạng xã hội, chị Nguyễn Xuân Hà (phường 26, quận Bình Thạnh) rất vui. Chị Hà cho hay, đã dùng điện thoại vào nhóm Zalo về an ninh trật tự của khu phố để xem thông tin mới về thủ đoạn của tội phạm, đọc cho người thân trong gia đình nghe. “Thông tin tôi nhận được trên nhóm rất hữu ích, ngắn gọn, dễ hiểu. Nhờ đó, không chỉ bản thân tôi mà các thành viên trong gia đình đều có thể nâng cao cảnh giác với các loại tội phạm” chị Hà chia sẻ.
Đại úy Hồ Thanh Vũ chia sẻ thông tin về tội phạm với người dân trên Zalo. |
Còn ông Hứa Minh Tuấn (phường 19, quận Bình Thạnh) dù không sử dụng Zalo nhưng hằng ngày luôn nhắc người thân trong gia đình mở "Nhóm Zalo" của khu phố để đọc cho nghe. Ông Tuấn bảo, do ở nhà thường xuyên nên khi biết các thủ đoạn hoạt động của tội phạm, ông sẽ nâng cao ý thức cảnh giác. Khi có đối tượng tình nghi vào khu dân cư là ông nói các cháu thông báo trên "Nhóm Zalo" cho bà con và cảnh sát khu vực biết để theo dõi.
Xuất phát từ những vụ trộm cướp xảy ra tại TP Hồ Chí Minh trong những năm qua, từ tháng 11-2017, Công an quận Bình Thạnh đã lập mô hình cùng người dân phòng, chống và tố giác tội phạm qua nhóm Facebook và Zalo. Mô hình đã được nhân dân ở quận Bình Thạnh nhiệt tình hưởng ứng. Theo Thượng tá Đỗ Tiến Nam - Phó Trưởng Công an quận Bình Thạnh, đến thời điểm này trên địa bàn quận đã tạo lập được 359 “Nhóm Facebook” với 4.768 người tham gia và 85 “Nhóm Zalo” với 589 người kết nối qua điện thoại di động gồm: Bảo vệ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố, nhóm trưởng nhóm hộ tự quản, nhà cho thuê tự quản về an ninh trật tự và các hộ dân đang cư trú tại địa bàn. Qua thông tin từ nhân dân đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền qua điện thoại, với thủ đoạn là giả danh người của cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, qua nhóm Facebook và Zalo người dân đã cung cấp cho công an 681 nguồn tin và giúp bắt giữ quả tang 18 vụ gồm 21 đối tượng.
Đơn cử, ngày 6-3-2018, khi thấy Chu Xuân Nghĩa (41 tuổi, ngụ tại quận 4) lảng vảng ở chung cư Ngô Tất Tố (phường 19), bà Nguyễn Thị M. sống trong chung cư đã nhắn “có kẻ lạ mặt xâm nhập vào chung cư, nghi vấn trộm tài sản, bà con cẩn thận”. Ngay lập tức, cảnh sát khu vực có mặt, sau khi đối tượng trộm một máy ảnh trong nhà 408 lô B (chung cư Ngô Tất Tố) và đang định tẩu thoát thì bị bắt giữ... Hay qua thông tin người dân đưa lên "Nhóm Zalo", Công an phường 7 đã bắt quả tang một đối tượng vào khu dân cư lấy trộm xe máy.
Tạo hiệu ứng tích cực
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về hiệu quả việc triển khai mô hình cùng người dân phòng, chống và tố giác tội phạm qua mạng xã hội, Thiếu tá Nguyễn Minh Phương, Phó Trưởng Công an phường 19 cho biết, gần một năm qua, từ khi triển khai tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa thiết thực của việc sử dụng nhóm Facebook và Zalo trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, Công an phường 19 đã thực hiện xây dựng mỗi tổ dân phố một nhóm phòng chống và tố giác tội phạm trên Zalo. Trong đó, cảnh sát khu vực và tổ trưởng tổ dân phố đều tham gia để nắm bắt, kiểm soát tốt thông tin. Ngoài ra, để thông tin được cụ thể hóa và đúng đối tượng hơn, mỗi tổ dân phố còn xây dựng thêm từng nhóm nhỏ phòng chống và tố giác tội phạm theo lĩnh vực, đối tượng riêng như hộ kinh doanh, nhà cho thuê trọ...
Trung tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng Công an phường 26 cho hay, bước đầu, việc triển khai mô hình này đã mang lại hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm; nhiều vụ phạm pháp hình sự đã được điều tra, khám phá thành công. Còn Đại úy Hồ Thanh Vũ, Cảnh sát khu vực, Công an phường 19 cho biết: “Tôi phụ trách khoảng 800 hộ dân của phường 19 và thành lập "Nhóm Zalo" có 80 hộ tham gia. Ban đầu, tôi đứng ra tuyên truyền, kêu gọi người dân cung cấp số điện thoại để đưa vào nhóm của khu vực phụ trách. Hằng ngày, tôi đưa thông tin mới về pháp luật, phòng, chống trộm cắp, cháy nổ, ma túy, cướp giật lên Zalo cho mọi người biết. Khi người dân nắm bắt được thủ đoạn hoạt động của tội phạm thì sẽ nâng cao ý thức cảnh giác. Từ đó, mỗi người dân không chỉ bảo vệ được tài sản của gia đình mà còn góp phần bảo vệ tài sản của những người xung quanh”. Cũng theo Đại úy Hồ Thanh Vũ, nhờ người dân cung cấp thông tin kịp thời nên cơ quan công an điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ án. Cũng nhờ mô hình "Nhóm Zalo", lực lượng công an và người dân thêm gần gũi, cởi mở với nhau hơn, mọi khó khăn, vướng mắc đều được trao đổi giải quyết kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Sau, Trưởng ban Quản trị chung cư Ngô Tất Tố (phường 19) cho biết, từ khi có "Nhóm Zalo", sự kết nối giữa ông với người dân nhanh chóng hơn. Không chỉ thông tin về phòng, ngừa tội phạm, các vấn đề an ninh xã hội cũng được ông truyền tải đến người dân một cách nhanh nhất. “Trước đây các thông tin về thủ đoạn của tội phạm, vấn đề trật tự xã hội phải chờ đến lúc họp tổ dân phố mới nêu ra thì nay người dân được cung cấp hằng ngày, hằng giờ.”, ông Sau chia sẻ.
Nói về việc nhân rộng mô hình trên, Trung tá Nguyễn Thị Thanh, Đội phó Đội Xây dựng phong trào và quản lý bảo vệ dân phố (Công an quận Bình Thạnh) cho biết, từ khi triển khai mô hình nhóm Facebook và Zalo đến nay, Công an quận Bình Thạnh đề xuất khen thưởng 18 quần chúng, 12 bảo vệ dân phố, 3 dân phòng và 2 dân quân đã xuất sắc tham gia phát hiện và bắt giữ tội phạm thông qua các nhóm này. Thời gian tới, Công an quận Bình Thạnh sẽ phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận tổ chức kiểm tra và đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình, qua đó tiếp tục triển khai nhân rộng đến các khu phố còn lại trên địa bàn.