Những giọt máu nghĩa tình

Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 13/06/2018

(HNM) - Cùng với cả nước, trên địa bàn TP Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, gia đình tình nguyện hiến máu cứu người...

Phong trào hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên trên địa bàn TP Hà Nội tham gia.


Những tấm lòng nhân ái

Hình ảnh chị Lê Thị Hà, 48 tuổi, xã Kim Thư (Thanh Oai) trong trang phục bảo hộ lao động lấm lem bùn đất, hớn hở hiến máu tại lễ hội Xuân hồng huyện Thanh Oai năm 2018 diễn ra đầu tháng 3 vừa qua gây xúc động với bất cứ ai chứng kiến. Ấy là bởi chị đang đi làm đồng, thì biết tin có đợt hiến máu tình nguyện nên không thể… “bỏ lỡ” cơ hội cứu người. “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, tôi hiểu điều đó nên đã tham gia hiến máu nhân đạo hơn 30 lần và sẽ tiếp tục hiến đến khi nào sức khỏe còn cho phép. Hiến máu đúng liều lượng không ảnh hưởng đến sức khỏe như nhiều người vẫn nghĩ, thậm chí nó còn giúp cho cuộc sống thêm ý nghĩa vì có thể mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng”, chị Hà nhắn nhủ. Có con mắc bệnh hiểm nghèo và được cộng đồng tiếp máu để kéo dài sự sống, chị Nguyễn Thị Lương, phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm) thấu hiểu hơn ai hết nhu cầu cần tiếp máu của người bệnh. Dù con chị đã đi xa, song mỗi lần nghĩ về đứa con xấu số, chị Lương thấy mình cần làm điều gì đó góp phần cứu người. Tình yêu của người mẹ dành cho con là động lực thôi thúc chị hiến máu tình nguyện tới 8 lần và sẽ tiếp tục hiến thêm nhiều lần nữa.

Tham gia hiến máu tình nguyện có những người lao động như chị Lê Thị Hà, Nguyễn Thị Lương; có những học sinh, sinh viên nhiệt huyết, những cán bộ, công chức nhiệt tình, trách nhiệm, những doanh nhân giàu lòng nhân ái,… Đến thời điểm này, anh Phạm Ngọc Duy, sinh viên Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp đã hiến máu 12 lần và vận động bạn bè cùng trường hiến gần 1.500 đơn vị máu/năm; anh Đặng Trung Kiên, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từng hiến máu 11 lần và vận động được hơn 1.000 đơn vị máu/năm. Anh Nguyễn Ngọc Quang, cán bộ UBND xã Việt Long (Sóc Sơn); Phạm Phú Phát, tình nguyện viên Câu lạc bộ Hành trình đỏ… được biết đến là những người có “trái tim hồng” với hơn 40 lần hiến máu tình nguyện, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng hưởng ứng. Qua 20 lần hiến máu, kỹ sư Lê Đình Quý, Ban Quản lý Dự án 493 Trương Định, thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Hà Nội đã cứu một số người có nhóm máu hiếm O Rh (âm) thoát khỏi tử thần…

Ngoài ra, TP Hà Nội có rất nhiều gia đình mà các thành viên cùng hiến máu tình nguyện như gia đình ông Tạ Minh Hải, tổ 4, phường Nhật Tân (Tây Hồ); Lê Đình Duật, tập thể S8, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân); gia đình bà Phùng Thị Vân, xã Phú Châu (Ba Vì); Nguyễn Thị Cẩm, xã Đại Thành (Quốc Oai…

Nhân lên những giá trị tốt đẹp


Từ những cá nhân, gia đình hiến máu tiêu biểu, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Thống kê của Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 80 câu lạc bộ, đội tuyên truyền hiến máu nhân đạo với số lượng hội viên lên đến hàng nghìn người. Họ vừa là những cá nhân tích cực vận động cộng đồng tham gia hiến máu, vừa là ngân hàng máu sống, sẵn sàng hiến máu khi bệnh nhân cần. Tính chung, trung bình mỗi năm, TP Hà Nội có khoảng 2-3% dân số tham gia hiến máu tình nguyện.

Thông qua những sự kiện, chiến dịch như “Lễ hội Xuân hồng”, “Những giọt máu hồng”, “Hành trình Đỏ”, Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4, Ngày Quốc tế Người hiến máu 14-6… được tổ chức rộng khắp, phong trào hiến máu tình nguyện của TP Hà Nội thu về hơn 1,2 triệu đơn vị máu trong giai đoạn 2008-2017. Đáng mừng là số người tình nguyện hiến máu cũng như lượng máu thu về tăng đều hằng năm. Năm 2017, lượng máu thu được tăng hơn 5 lần so với năm 2008. Trong 5 tháng đầu năm nay, toàn thành phố đã tiếp nhận hơn 110.000 đơn vị máu, đạt 55,8 % kế hoạch năm. Nguồn máu nhân đạo góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương và nhiều bệnh viện khác.

Ý nghĩa của phong trào hiến máu tình nguyện đã được khẳng định. Tuy vậy, phong trào vẫn chưa phát triển bền vững ở một số địa phương, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cấp cứu và điều trị. “Số lượng máu thu được hằng năm (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) mới đáp ứng được khoảng 70-75% nhu cầu. Ở một số địa phương, lực lượng tham gia hiến máu chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên, chưa mở rộng ra các đối tượng khác”, ông Nguyễn Sỹ Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội nhận định.

Để đạt mục tiêu thu được hơn 200.000 đơn vị máu với hơn 4% dân số Thủ đô tham gia hiến máu vào năm 2020, ông Nguyễn Sỹ Trường mong muốn các ngành, địa phương, các cấp hội Chữ thập đỏ trên địa bàn TP Hà Nội quan tâm phát triển đội ngũ tuyên truyền viên, tình nguyện viên có kiến thức, kỹ năng vận động hiến máu tình nguyện; nhân rộng mô hình “Mỗi xã, phường là một địa chỉ hiến máu”, “Tuyến phố hiến máu”, “Gia đình hiến máu”… Ngoài ra, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu thành lập Hội Vận động hiến máu Hà Nội và sớm đưa hội đi vào hoạt động. Đồng quan điểm, bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia là giải pháp tối ưu để khắc phục tình trạng thiếu máu trong công tác cấp cứu và điều trị hiện nay, nhất là vào những tháng nghỉ hè, dịp nghỉ Tết Nguyên đán.

Dù còn những khó khăn nhất định, song danh sách những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện của TP Hà Nội ngày một dài thêm. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều bệnh nhân có thêm cơ hội sống. Thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao!

Bài, ảnh: Minh Ngọc