Làn sóng ngân hàng lên sàn

Tài chính - Ngày đăng : 14:44, 13/06/2018

(HNMO) - Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán; nhiều nhà băng khác cũng ấp ủ kế hoạch lên sàn.


Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) là ngân hàng đầu tiên lên sàn trong năm nay. Ngày 5-1, hơn 882 triệu cổ phiếu HDBank được giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (Hose) với mã HDB, giá tham chiếu là 33.000 đồng/cổ phiếu.

Mã cổ phiếu của nhà băng này đã chào sàn ấn tượng khi tăng kịch trần với hơn 1.230 tỷ đồng giá trị được giao dịch, chiếm gần 14% giá trị giao dịch toàn thị trường. Hiện HDB có giá là 41.000 đồng/cổ phiếu.

Techcombank là ngân hàng lên sàn gần đây nhất.


Tiếp đến, vào ngày 19-4, 555 triệu cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã được niêm yết trên Hose với giá tham chiếu 32.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù lên sàn đúng thời điểm thị trường “đỏ lửa” nhưng TPB vẫn tăng lên 32.450 đồng với khối lượng khớp lệnh hơn 7 triệu cổ phiếu, đứng thứ 4 thị trường. Trong phiên ngày 13-6, TPB đóng cửa ở mức giá 28.200 đồng/cổ phiếu.

Gần đây nhất, ngày 4-6 vừa qua, cổ phiếu của Techcombank với mã TCB chính thức được giao dịch tại Hose. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết là 1,165 tỷ cổ phiếu với giá niêm yết tham chiếu tại ngày giao dịch đầu tiên là 128.000 đồng/cổ phiếu. Theo tính toán sơ bộ, với giá 128.000 đồng/cổ phiếu, Techcombank lên sàn có vốn hóa 149.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,5 tỷ USD, cao thứ hai trong số các ngân hàng đã niêm yết, chỉ sau Vietcombank.

Như vậy, hiện nay có 13 ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung, gồm: ACB, BID, CTG, EIB, HDB, MBB, NVB, SHB, STB, TCB, TPB, VCB, VPB. 4 ngân hàng có cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM là VIB, KLB, BAB, LPB.

Trên Hose, ngành ngân hàng có 4 mã nằm trong nhóm 10 mã có mức vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB, TCB, CTG, BID. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chưa tính TCB, chiếm khoảng 22% giá trị vốn hóa.

Sau Techcombank, nhiều nhà băng khác cũng ấp ủ kế hoạch lên sàn. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dự kiến cuối quý III hoặc đầu quý IV-2018 sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) diễn ra hồi tháng 4 đã thông qua quyết định niêm yết cổ phiếu trên Hose trong năm nay, mặc dù nhà băng này đã chuẩn bị hồ sơ đăng ký chứng khoán, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch UPCoM trong năm 2017.

Trong khi đó, Đại hội cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP Hàng hàng Việt Nam (Maritime Bank) vừa diễn ra cũng đã nhất trí với kế hoạch niêm yết cổ phiếu Maritime Bank tại Hose vào quý I-2019. Đây được xem là bước ngoặt mới trong hành trình phát triển của Maritime Bank.

Diễn biến này khác hẳn với thời gian trước đây khi mà nhiều ngân hàng ngại lên sàn bởi vướng mắc về nợ xấu, thị trường chứng khoán giảm sâu, khiến giá cổ phiếu ở mức dưới mệnh giá khi niêm yết.

Một trong những lý do khiến các ngân hàng liên tục lên sàn trong thời gian qua là thị trường chứng khoán khởi sắc. Cuối năm 2017 và đầu năm 2018, thị trường chứng khoán tăng mạnh với chỉ số VN-Index lên mức cao nhất 10 năm qua, trong đó cổ phiếu ngân hàng lấy lại vị thế cổ phiếu "vua", dẫn dắt thị trường và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Năm nay, thị trường vẫn được dự báo khả quan. Vì vậy, nhiều ngân hàng lên sàn là điều dễ hiểu, bởi trong thời điểm giá cổ phiếu của ngành này tăng mạnh, ngân hàng sẽ có thuận lợi khi tăng vốn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng lên sàn còn để thực hiện theo quy định. Từ năm 2013, các ngân hàng thương mại được yêu cầu niêm yết cổ phiếu. Mục đích của việc bắt buộc các ngân hàng thương mại niêm yết cổ phiếu nhằm thanh lọc các tổ chức yếu kém, cơ cấu lại ngành ngân hàng.

Một số chuyên gia đánh giá, việc ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn sẽ giúp tăng cường sự minh bạch thông tin; nâng cao năng lực điều hành; tăng khả năng huy động vốn, đặc biệt là vốn chủ sở hữu để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng; đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Hương Thủy