Thể chế mới, hiệu quả mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:01, 14/06/2018
Thực tế cho thấy, sau hơn 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch; cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và chế độ công vụ ngày càng cải thiện…
Dù vậy, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý kéo dài, chưa nghiêm,… Có nhiều bất cập dẫn đến tình trạng trên, trong đó có quy định về công khai, minh bạch tài sản chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; trong khi thiếu chế tài xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý…
Thực tế trên cho thấy việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Hoàn thiện thể chế ắt sẽ tạo ra hiệu quả mới trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trước hết, đó là tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng. Trong đó, tại Nghị quyết Ðại hội XII, Đảng xác định: Ðấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài.
Ngoài ra, tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã nhấn mạnh nhiệm vụ “ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”...”.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra với dự án luật sửa đổi lần này là phải khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế một cách toàn diện, lâu dài để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả thực chất. Trong đó, vấn đề được đại biểu Quốc hội tập trung bàn thảo và cử tri đặc biệt quan tâm là cần quy định rõ ràng, cụ thể để có thể xử lý được tài sản, thu nhập cá nhân kê khai không trung thực, giải trình chưa hợp lý; tình trạng “tham nhũng vặt”; mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự luật ra khu vực ngoài nhà nước… Việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề này cũng nhằm bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan, nhất là Bộ luật Hình sự năm 2015 và yêu cầu tại Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo luật đã bao quát cả ba lĩnh vực: Phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Nhưng thực tế, khi tham nhũng xảy ra thì có xử lý, giải quyết hiệu quả đến mấy cũng là mất mát. Đó là mất tiền, mất cán bộ và đặc biệt là mất niềm tin của nhân dân. Vì thế, dự luật cần xây dựng thể chế phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu và toàn diện, cốt yếu để "không thể, không dám và không muốn tham nhũng".
Ở đây, con người có vai trò quyết định đến sự thành công nên dự luật cần quy định đưa nội dung giáo dục Luật Phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các trường trung học phổ thông trở lên nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với tương lai của đất nước. Bên cạnh đó cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ giám sát của Mặt trận Tổ quốc, báo chí, công dân và từng cộng đồng...
Gắn kết thực hiện nghiêm chỉnh các nghị quyết của Ðảng với việc hoàn chỉnh, thực thi nghiêm minh luật pháp Nhà nước tất sẽ tạo ra và tiếp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng - sức mạnh của cả đức trị và pháp trị.