BYTON K-Byte hiện thực hóa giấc mơ ô tô thông minh tự hành của Trung Quốc

Xe++ - Ngày đăng : 08:32, 14/06/2018

(HNMO) - Triển lãm điện tử tiêu dùng Châu Á 2018 (CES Asia 2018) đang diễn ra tại Thượng Hải là dịp lý tưởng để trình diễn những phát kiến mới nhất của Bắc Kinh trong lĩnh vực xe điện và xe thông minh.

BYTON K-Byte nhận được sự quan tâm rất lớn, do đây được xem là một mũi nhọn của Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ ô tô tự hành.


Tại đây, nếu như Cadillac mang tới SuperCruise, hệ thống lái rảnh tay đầu tiên cho đường cao tốc của mình, thì Honda cũng công bố dự án Xcelerator nhằm tìm kiếm hợp tác trong lĩnh vực này với các đối tác trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tâm điểm nhận được nhiều sự chú ý từ khách tham quan triển lãm trong khu vực trưng bày của các hãng ô tô lại là chiếc xe sedan ý tưởng K-Byte của BYTON, hãng xe điện Trung Quốc tập hợp nhiều cựu nhân viên cao cấp từ những tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Google, Apple, BMW hay Tesla.

Là mẫu xe thứ hai trình diễn trước công chúng, K-Byte thể hiện tầm nhìn của BYTON về xe thông minh và xe tự hành, trong đó chú trọng tới bố cục hài hòa các thành phần linh kiện tân tiến vào thiết kế ô tô truyền thống, như cảm biến có thể thu gọn dành cho xe tự hành. Nhưng tới nay dự án này mới chỉ dừng lại ở ngưỡng tiết lộ thông tin về thiết kế và công nghệ, chứ chưa hé lộ gì về khả năng vận hành.

Hiện nay, các dự án phát triển xe tự hành của BYTON đều nằm trong mối quan hệ hợp tác với Aurora, vốn cũng là một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực phát triển các hệ thống tự hành chuyên biệt. Bản thân Giám đốc điều hành của công ty này cũng là Chris Urmson, cựu lãnh đạo mảng xe tự hành của Google.

Hai bên đã cùng phát triển chương trình tự hành cấp độ 4 theo quy chuẩn SAE, đồng nghĩa rằng những chiếc xe có thể tự vận hành mà không cần sự giám sát hay can thiệp của con người trong một số tình huống nhất định.

Theo lộ trình đề ra, hai công ty sẽ cho ra đời những chiếc xe chạy thử loại này vào cuối năm 2020, trước khi tiến tới sản xuất hàng loạt và giao tới tay khách hàng 1 năm sau đó.

Một cảm biến lidar nằm ở vị trí đèn xi nhan hông.


Trên thiết kế của K-Byte, các loại cảm biến tích hợp nhằm đáp ứng khả năng vận hành tự động được bố trí ở cả phần trước, nóc và sau xe. Đây là các cảm biến lidar (có nguyên tắc gần giống radar nhưng sử dụng tia laser để nhận biết đối tượng) cho phép cung cấp dữ liệu toàn diện xung quanh xe cho hệ thống máy tính xử lý (BYTON gọi là LiBow).

Với cơ chế bảo vệ LiGuards, các cảm biến này có thể tự động tụt vào trong khi không cần thiết, hoặc khi xe di chuyển vào chỗ hẹp (bãi đỗ). Ngoài ra, đèn tín hiệu trên chúng cũng cho phép xe xác định khoảng cách hoặc tương tác với người đi bộ nếu cần.

Trong khi đó, ngoại hình của BYTON khá bắt mắt với các đường nét cong mềm mại. Các kĩ sư đã mở rộng đáng kể cửa sổ hông và nóc xe để tăng cường góc quan sát, đồng thời giúp hành khách bên trong tận hưởng không gian bên ngoài tốt hơn, điều vốn khá quan trọng một khi các tính năng tự hành đã đảm nhận việc “cầm lái”.

Thiết kế bắt mắt của K-Byte cho thấy công nghệ mới có thể hóa quyện vào các thiết kế truyền thống theo thời gian.


Phía trước xe, do đã loại bỏ hốc hút gió (thứ không còn cần thiết đối với xe điện), K-Byte được trang bị màn hình hiển thị lớn, cho phép tương tác với các phương tiện và người xung quanh. Về lâu dài, khi các công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển, đây cũng sẽ là nơi chiếc xe hiển thị các thông điệp của mình, hay giao tiếp với chủ nhân.

Dù vẫn bị giấu đi, không khó để nhận ra giao diện người dùng của K-Byte được hiển thị trên màn hình khổng lồ, chiếm trọn táp lô xe.


Trao đổi với đại diện của BYTON tại CES Asia 2018, ngoài K-Byte, hãng dự kiến sẽ có tổng cộng 3 mẫu xe dòng Byte, tức là thêm một mẫu nữa ngoài chiếc sedan K-Byte và SUV cỡ nhỏ M-Byte (cũng góp mặt tại triển lãm).

Tương tự như tên gọi BYTON (Bytes on Wheels), tên gọi của các mẫu xe cũng nhằm thể hiện năng lực số hóa giờ đây là một phần quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô, có tác động điều khiển trực tiếp đến việc di chuyển của phương tiện, và là một phần không thể thiếu của cuộc sống kết nối hiện đại.

Nguyễn Thúc Hoàng Linh