Vì sự hài lòng của người bệnh
Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 15/06/2018
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại Trạm Y tế phường 11, quận 3, TP Hồ Chí Minh. |
Bước tiến đột phá
Trạm Y tế phường 11 (quận 3) được Bộ Y tế và UBND TP Hồ Chí Minh cho phép hợp tác với Phòng khám Đa khoa DHA Medic theo hình thức xã hội hóa để cùng phát triển từ tháng 5-2017. Trạm đã được Phòng khám Đa khoa DHA Medic đầu tư hơn 20 tỷ đồng để nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất và hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại. Từ một nơi có cơ sở vật chất xuống cấp, nay Trạm Y tế - Phòng khám DHA Medic có 6 phòng khám chuyên môn. Đồng thời, trạm còn được trang bị các máy sinh hóa, huyết học, miễn dịch, xét nghiệm vi rút, vi khuẩn gây bệnh, xét nghiệm tầm soát ung thư, chẩn đoán hình ảnh. Người dân khi đến khám bệnh đều cảm thấy hài lòng vì cơ sở được đầu tư khang trang, hiện đại. Sau 1 năm thực hiện hợp tác, Phòng khám Đa khoa DHA Medic tại Trạm Y tế phường 11 đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trên địa bàn quận. Hai bên đã phối hợp tốt trong tổ chức các hoạt động theo chức năng của trạm y tế, vừa phòng bệnh, khám chữa bệnh vừa thực hiện việc chống và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn phường.
Là đơn vị thứ hai ở TP Hồ Chí Minh thực hiện đẩy mạnh hợp tác công - tư, Trạm Y tế phường Tân Quý không tiến hành xã hội hóa toàn bộ như Trạm Y tế phường 11 mà chỉ liên kết ở một số chuyên khoa như: Nha khoa, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, y học cổ truyền. Kể từ khi xã hội hóa, bộ mặt Trạm Y tế phường Tân Quý thay đổi rõ nét, diện tích rộng rãi hơn, khu vực khám tại các chuyên khoa được thiết kế khoa học, tạo sự thuận tiện cho người bệnh. Mặc dù bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng Trạm Y tế đã triển khai hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), tiếp nhận bệnh nhân từ bệnh viện về theo dõi và chăm sóc. Ngoài ra, đây còn là trạm y tế cấp xã, phường tại TP Hồ Chí Minh tiên phong điều trị cai nghiện cho bệnh nhân.
Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 319 trạm y tế xã, phường nhưng chỉ có hơn 150 trạm y tế đăng ký khám chữa bệnh BHYT, trong đó có 70 trạm không có bệnh nhân. Trong bối cảnh cơ sở vật chất xuống cấp khiến người dân không mặn mà đến khám nên các trạm y tế cấp xã, phường phải sử dụng nguồn ngân sách eo hẹp để duy trì hoạt động. Việc hai trạm y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tìm được đối tác để liên kết đầu tư, xã hội hóa là một bước đột phá trong mô hình hợp tác công - tư, giúp các trạm y tế sử dụng nhân lực hiệu quả hơn, đồng thời đẩy mạnh được hoạt động khám, chữa bệnh.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Sau 1 năm thí điểm mô hình liên kết công - tư tại hai trạm y tế ở TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tiến hành thị sát và làm việc tại hai đơn vị này. Nhận thấy lượng bệnh nhân đến khám tại Trạm Y tế phường 11 còn khiêm tốn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Trung tâm Y tế quận 3 cần luân phiên các bác sĩ đến làm việc tại Phòng khám Đa khoa đặt tại trạm y tế để nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh hơn nữa. Về phía Phòng khám DHA Medic cũng cần chủ động mời các bác sĩ có uy tín tham gia khám, chữa bệnh nhằm thu hút người dân đến khám bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề cập đến nguồn thu của hai trạm y tế sau khi xã hội hóa. Đối với Trạm Y tế phường 11, lợi nhuận thu được qua hoạt động khám, chữa bệnh ngoài nộp ngân sách thì được dùng để tái đầu tư cho trạm. Còn với Trạm Y tế phường Tân Quý, nguồn thu vẫn được nộp ngân sách. Do chưa tách bạch công - tư nên đã xảy ra một số khó khăn về cơ chế, chính sách cho cán bộ, nhân viên khi thực hiện xã hội hóa.
Để tìm cách tháo gỡ những khó khăn trên, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng báo cáo với Ban Chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo ông Nguyễn Thành Phong, khi chưa xây dựng được cơ chế rõ ràng thì các doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự mặn mà với việc đầu tư vào các trạm y tế. Đây là nguyên nhân chính khiến việc đẩy mạnh xã hội hóa các trạm y tế còn chậm. Khi hoàn thiện cơ chế, chính sách, các trạm y tế trên địa bàn thành phố sẽ sớm có sự thay đổi tích cực.
Từ thành công bước đầu của hai mô hình trên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt đề án xã hội hóa trạm y tế nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại các trạm, góp phần giảm tải cho các bệnh viện ở thành phố. Sau thời gian thí điểm tại hai trạm y tế, Sở Y tế sẽ đánh giá những khó khăn, vướng mắc để khắc phục; đồng thời sẽ tiếp tục cùng các đơn vị tư nhân tham gia khảo sát, đánh giá các trạm y tế ở các quận trung tâm thành phố để triển khai xã hội hóa trong thời gian tới.