Ngăn chặn hành vi mua bán, làm bằng giả

Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 15/06/2018

(HNM) - Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá đường dây làm giả giấy tờ, bằng cấp, tài liệu, con dấu của các cơ quan, tổ chức nhà nước lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố.


Khoảng 19h30 ngày 25-5-2018, các trinh sát Đội 4, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang N.N.Q (31 tuổi, ngụ tại quận 12) đang mang giấy tờ giả đi giao cho khách trên đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp). Q. khai nhận, số hồ sơ, giấy tờ giả này lấy từ Lương Quốc Định (ngụ tại tỉnh Thanh Hóa, tạm trú ở huyện Hóc Môn). Tiếp đó, từ 22h đến 23h30 ngày 26-5, công an lần lượt bắt giữ Nguyễn Văn Thắng (cháu của Định) cùng 7 người khác cũng nhận giấy tờ giả từ Định mang đi giao cho khách. Đến chiều 27-5, Đội 4 phối hợp Công an xã Tân Thới Nhì khám xét khẩn cấp nơi làm giấy tờ giả trên đường Dương Công Khi (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn), bắt giữ Định cùng Lê Ngọc Mạnh (ngụ tại tỉnh Thanh Hóa), thu khoảng 1.600 con dấu, 56 bằng cấp, chứng chỉ thành phẩm, khoảng 10.000 phôi các loại và nhiều tang vật khác.

Qua điều tra, công an xác định đường dây này do Định cầm đầu cung cấp bằng cấp giả cho hơn 30 “đại lý” phủ khắp các tỉnh, thành cả nước, với giá 300.000-500.000 đồng/bằng cấp, chứng chỉ. Các “đại lý” chủ yếu sử dụng mạng xã hội để tiếp thị và bán lại với giá 2,5-4,5 triệu đồng/chứng chỉ, bằng đại học, cao đẳng. Tại cơ quan điều tra, Định khai “xưởng sản xuất” này hoạt động từ đầu năm 2018 đến nay, bán được từ 10-20 bằng cấp, chứng chỉ giả/ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thiếu tá Nguyễn Văn Bình, Đội phó Đội 4 (PC45) cho biết, để ngăn chặn tình trạng làm bằng cấp giả thì quy trình cấp phát phôi bằng tại các trường đại học, cao đẳng cần phải chặt chẽ hơn. Các trường cần phải có hồ sơ, giấy tờ lưu; hồ sơ ra trường cần phải có bảng điểm rõ ràng và phải công khai danh sách các sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng lên website của trường để bất cứ ai cũng có thể kiểm tra tính xác thực của văn bằng, chứng chỉ đã cấp.

Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho hay, việc làm bằng giả thì nước nào cũng có nhưng ở Việt Nam nhiều hơn vì tâm lý sính bằng cấp cũng như nhiều cơ quan căn cứ vào bằng cấp để tuyển dụng, cất nhắc đề bạt. Tình trạng này sẽ giảm dần nếu các cơ quan tổ chức thi năng lực để tuyển chọn chứ không dựa vào bằng cấp... “Mỗi năm, trường nhận được 10-15 công văn từ công an, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp yêu cầu kiểm tra bằng do trường cấp. Trong đó, tỷ lệ giả là khoảng 30%. Trường đã phối hợp với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin về chữ ký của lãnh đạo, mẫu con dấu để chống việc làm giả văn bằng. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên gửi mẫu chữ ký và con dấu trên các văn bằng đến các cơ quan, doanh nghiệp để so sánh đối chiếu nhằm phát hiện các trường hợp gian lận” - PGS.TS Dũng nói.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình trạng sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả còn khá nhiều.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do yêu cầu từ phía đơn vị tuyển dụng cần trong hồ sơ, mặc dù trong thực tế những vị trí việc làm đó không cần phải có bằng cấp như vậy. Người lao động nghĩ đơn giản là mình hoàn toàn làm được việc và bằng cấp chỉ để đẹp hồ sơ nên tìm kiếm mua bằng giả mà không nghĩ rằng mình đang tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các vụ sản xuất bằng giả cũng như những người sử dụng bằng giả.

Có thể nói, bằng cấp, giấy tờ giả đang là một trong những vấn nạn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để góp phần ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, quản lý thì người dân cần nâng cao ý thức, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả.

Thanh Tàu