Bế mạc kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV
Chính trị - Ngày đăng : 06:34, 16/06/2018
Tham dự phiên bế mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Thông qua 7 luật, cho ý kiến về 9 dự án luật
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra. Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 7 luật; cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Quốc hội đã thảo luận, thông qua: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018…
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội chụp ảnh chung tại lễ bế mạc kỳ họp. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, kết quả kỳ họp cũng cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng. Quốc hội trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các luật, nghị quyết được thông qua. Đồng chí nhấn mạnh, Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời, nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức
Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch (96,71% đại biểu tán thành); Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016” (97,33% đại biểu tán thành); Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019 “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” (96,51% đại biểu tán thành); Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018” (95,07% đại biểu tán thành); Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV (96,71% tổng số đại biểu - 100% số đại biểu có mặt tán thành); Nghị quyết kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV (95,69% tổng số đại biểu - 100% đại biểu có mặt tán thành).
Trân trọng tiếp thu ý kiến đóng góp về các dự án luật quan trọng
Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV chiều 15-6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời nhiều câu hỏi của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
Về việc dừng thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc tại kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, sau khi Quốc hội thảo luận tại hội trường, các đại biểu vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Cử tri, nhân dân cũng nêu nhiều ý kiến đóng góp về vấn đề này. Để hoàn thiện dự án luật nói trên, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, hội nghị để xin ý kiến các nhà khoa học. Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tới một số đặc khu ở nước ngoài để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Trước việc đồng bào, cử tri, các đại biểu Quốc hội và nhà khoa học còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội đã quyết định tạm dừng, chưa thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ năm để tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, đặc biệt là với những vấn đề liên quan đến đất đai và chính sách thuế.
Về việc Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho biết, Quốc hội đã lắng nghe, thẩm tra và tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri cả nước, chuyên gia, đặc biệt là ý kiến của đại diện một số quốc gia như: Mỹ, Australia, Liên minh Châu Âu và Hiệp hội Internet viễn thông Châu Á - Thái Bình Dương... Nhiều vấn đề đã được tiếp thu, chỉnh lý, đáp ứng yêu cầu về an ninh mạng trong giai đoạn hiện nay. Luật An ninh mạng được thông qua cũng sẽ tạo ra cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Làm rõ thêm quy định đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, trong Báo cáo thẩm tra Dự án Luật An ninh mạng cũng cho thấy, có 18 quốc gia yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng, nhất là mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó. Dự án Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua chỉ quy định lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam, là công dân Việt Nam, tại Việt Nam. Bởi thông tin cá nhân người dùng, quyền nhân thân được pháp luật Việt Nam bảo hộ và được xem là tài sản của công dân Việt Nam, nên phải lưu trữ ở Việt Nam và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng phải có trách nhiệm phải bảo vệ bí mật người dùng tại Việt Nam.