Thách thức từ “Thủ đô di sản”

Văn hóa - Ngày đăng : 07:26, 17/06/2018

(HNM) - Di tích xuống cấp chưa được tu bổ kịp thời; kinh phí trùng tu hạn hẹp, trong khi hiệu quả của việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa chưa cao… là những trở ngại, thách thức mà Hà Nội đang phải đối mặt trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Chùa Tây Phương là một trong số ít di tích đã được tu bổ, cải tạo. Ảnh: Bá Hoạt


Thủ tục rườm rà...

Hà Nội sở hữu gần 6.000 di tích, chiếm một phần ba số di tích cấp quốc gia của cả nước. Với 1 di tích xếp hạng di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.200 di tích cấp quốc gia và hơn 1.200 di tích cấp thành phố…, vị thế “Thủ đô di sản” của Hà Nội tiếp tục được khẳng định, đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến, thách thức lớn nhất là tình trạng di tích xuống cấp nhiều, nhưng không được tu bổ kịp thời do chưa bố trí được nguồn kinh phí. Hiện tại, toàn thành phố có 168 di tích nằm trong diện cần được trung ương và thành phố hỗ trợ tu bổ, đó là chưa kể số di tích được các quận, huyện, thị xã đưa vào diện lập hồ sơ chống xuống cấp của địa phương. Chủ trương huy động nguồn kinh phí xã hội hóa bảo tồn di tích đã được triển khai từ nhiều năm nay, song mới chỉ tập trung được ở một số công trình trọng điểm, chưa lan tỏa rộng khắp...

Theo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, trong tổng số 2.400 di tích đã xếp hạng, có 15 trường hợp vi phạm về sử dụng đất, 191 trường hợp sử dụng kiến trúc sai mục đích, 122 di tích có tập thể, hộ dân vi phạm. Đến nay, mới có 129 di tích được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chiếm khoảng 5,2% tổng số di tích đã xếp hạng.


Ngoài nguyên nhân thiếu kinh phí, còn có trở ngại đáng kể khác là thủ tục cấp phép tu bổ, tôn tạo di tích rườm rà, rắc rối, mất nhiều thời gian. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín Lê Mạnh Cường cho biết: Do chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục xin cấp phép tu bổ, khiến nhiều địa phương lúng túng, mất thời gian để chỉnh sửa, hoàn thiện. Việc thẩm định hồ sơ cũng còn chưa thống nhất giữa các phòng, ban chuyên môn, nên các đơn vị xin cấp phép gặp không ít khó khăn. Chưa kể, với quy định như hiện nay, thực hiện đủ các bước từ xin chủ trương, thành lập tổ tu bổ, đến lập hồ sơ gửi về Sở Văn hóa - Thể thao xin ý kiến phải mất vài tháng đến một năm. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Lợi cho biết thêm: Thủ tục rắc rối, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng rất lớn tới công tác tu bổ di tích. Có trường hợp khi hồ sơ được thông qua thì di tích xuống cấp nghiêm trọng hơn, phải xin cấp phép tu bổ, tôn tạo lại.

Cần cách làm linh hoạt, sáng tạo

Trùng tu, cải tạo di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Và (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Linh Ngọc


Công tác quản lý di tích cần một đội ngũ cán bộ có kiến thức tổng hợp, kinh nghiệm thực tế và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành liên quan. Tuy nhiên, đây lại là những tồn tại, hạn chế khó có thể khắc phục một sớm một chiều. Cán bộ văn hóa cùng lúc kiêm nhiệm nhiều công việc là tình trạng phổ biến ở cơ sở, dẫn đến việc nắm bắt, xử lý kịp thời những sai phạm trong lĩnh vực di sản còn hạn chế; trong đó việc xây dựng trước khi có thủ tục, tu bổ sai quy trình, cách thức, ảnh hưởng đến giá trị di tích… là những hệ lụy dễ thấy ở không ít địa phương thời gian qua. Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều vấn đề nan giải khác mà công tác quản lý, bảo tồn di sản của Hà Nội đang phải đối mặt như: Bất cập trong công tác khoanh vùng bảo vệ di tích; rà soát phạm vi bảo vệ với di tích chưa xếp hạng; hướng dẫn kết hợp giữa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công còn chưa cụ thể; tình trạng sử dụng đất di tích không đúng mục đích phức tạp…

Trước những hạn chế trên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện thủ tục hành chính về cấp phép tu bổ; loại bỏ những thủ tục không cần thiết, tạo hành lang thông thoáng, thuận lợi cho các địa phương. Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã lập danh mục di tích tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2018-2020 để đề nghị hỗ trợ kinh phí từ các nguồn theo thứ tự ưu tiên; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý di tích và các tổ chức, cá nhân trực tiếp trông coi, quản lý di tích văn hóa. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Tô Văn Động đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa, chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia cũng như phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, ngăn chặn tình trạng tự ý tu bổ, phá vỡ yếu tố gốc cấu thành di tích.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, do số lượng di tích xuống cấp rất lớn, từng di tích cụ thể lại mang giá trị khác nhau, nên rất cần có cách làm linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng trường hợp. Trước mắt, cần xây dựng danh mục di tích xuống cấp theo hướng các nhóm ưu tiên để có hoạt động tu bổ tương ứng. Ngoài ra, giữa các địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để kịp thời ngăn chặn những vi phạm trong tu bổ, tôn tạo di tích từ khi manh nha, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Về lâu dài, cùng với việc đổi mới công tác quản lý, cần duy trì thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, người tham gia quản lý di tích cũng như người dân.

Thanh Thủy