Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hợp tác của CLMV và ACMECS

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:17, 17/06/2018

(HNM) - Ngày 16-6, tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya -Mekong lần thứ 8 (ACMECS 8).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các trưởng đoàn dự hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu


Các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Bangkok và Kế hoạch tổng thể ACMECS giai đoạn 2019-2023 với mục tiêu đưa khu vực ACMECS trở thành một trung tâm kinh tế kết nối thông suốt và hội nhập mạnh mẽ. Các nước ACMECS sẽ tập trung hợp tác vào ba trụ cột chính: Kết nối thông suốt về hạ tầng cứng (thúc đẩy kết nối vận tải đa phương thức); kết nối hạ tầng mềm (tăng cường hợp tác trong hài hòa và đơn giản hóa các quy định để tạo thuận lợi cho sự di chuyển của người, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư… phát triển thông minh và bền vững.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS. Cụ thể, ACMECS cần thúc đẩy phối hợp quan điểm trong hợp tác với các đối tác phát triển, đồng thời xây dựng tiếng nói chung về các vấn đề cần giải quyết, các ưu tiên hợp tác của tiểu vùng; Cải tiến cơ chế hoạt động của ACMECS và chú trọng hơn việc huy động nguồn lực tài chính cho hợp tác ACMECS thông qua các sáng kiến như Quỹ ACMECS và Quỹ Tín thác và cơ sở hạ tầng ACMECS. Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu cách thức cải tiến cơ cấu hoạt động của ACMECS theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tính cả phương án kết hợp tổ chức hội nghị các cấp của ACMECS cùng dịp với các sự kiện của ASEAN và các cơ chế Mekong khác. Hợp tác ACMECS cần đóng góp trực tiếp hơn và trở thành một phần không thể thiếu trong tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN thông qua gắn kết việc triển khai Kế hoạch tổng thể ACMECS với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và các chương trình hợp tác khác của ASEAN. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề xuất nhiều nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực giao thông, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên và phát triển nguồn nhân lực.

* Ngay sau Hội nghị ACMECS 8, chiều 16-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 9 (CLMV 9) với chủ đề “Vì sự hội nhập và kết nối sâu sắc hơn”. Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các nước thành viên, đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và bảo đảm sự phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực. Về định hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, các nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy kết nối nhiều mặt giữa bốn nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu của CLMV. Trong đó, đáng chú ý là: Đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường còn thiếu và nâng cấp các tuyến đường thuộc Hành lang Kinh tế Bắc - Nam (NSEC), Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) và Hành lang Kinh tế phía Nam (SEC), đẩy nhanh xây dựng tuyến cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, nghiên cứu khả thi mở tuyến đường kết nối Myanmar - Lào - Việt Nam; thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận hiện có giữa các nước CLMV, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, thúc đẩy thương mại biên giới và phát triển thương mại điện tử; cắt giảm rào cản thương mại thông qua hài hòa tiêu chuẩn và hợp chuẩn; phát triển các đặc khu kinh tế...

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo giao các quan chức cao cấp cùng nghiên cứu và kiến nghị biện pháp tinh giản hoạt động của CLMV, gắn kết hơn nữa hợp tác CLMV với các cơ chế Mekong khác; giao các Bộ trưởng Kinh tế sớm hoàn thành xây dựng khung về phát triển CLMV. Lãnh đạo các nước hoan nghênh việc Việt Nam tổ chức Hội nghị lần thứ 27 của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) từ ngày 11 đến 13-9-2018.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia CLMV và ổn định, thịnh vượng của ASEAN. Thủ tướng nêu ba điểm lớn mà hợp tác CLMV cần chú trọng để đạt hiệu quả hoạt động cao nhất. Thứ nhất, hợp tác ACMECS (hay CLMV) cần tập trung vào các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của cơ chế hợp tác và có tính khả thi cao, đặc biệt trong điều kiện nguồn lực hạn chế và cả bốn nước đều tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác Mekong; một số lĩnh vực cần chú trọng như kết nối hạ tầng mềm, nông nghiệp và du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Thứ hai, sáng tạo trong cách thức huy động nguồn lực và xây dựng các dự án chung liên quốc gia (lồng ghép nội dung của CLMV vào các cơ chế hợp tác Mekong khác, thúc đẩy sự tham gia của các đối tác phát triển tại các cuộc họp và thực hiện dự án). Thứ ba, xây dựng chiến lược hợp tác trung, dài hạn làm cơ sở để triển khai các hoạt động. Thủ tướng cũng đưa ra những đề xuất cụ thể, thể hiện sự chủ động đóng góp của Việt Nam như việc sẵn sàng hỗ trợ các nước tham dự các hội chợ lớn tại Việt Nam, xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao năng lực và kỹ năng số…

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao CLMV 9 và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 10.

* Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cùng ăn sáng và làm việc với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), trong đó chú trọng các dự án kết nối hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Lào và Campuchia hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước khác trong ASEAN và mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.

* Tại cuộc gặp với Tổng thống Myanmar U Win Myint, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển quan hệ song phương thời gian qua, nhấn mạnh việc thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác toàn diện Việt Nam - Myanmar đã mở ra một trang hợp tác mới giữa hai nước. Hai bên nhất trí tích cực triển khai các thỏa thuận đạt được trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Myanmar (8-2017) và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi đến Việt Nam (4-2018). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Myanmar tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế hợp tác tiểu vùng, trong đó có ACMECS, cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

* Trong cuộc gặp với Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của Ban Thư ký ASEAN trong hỗ trợ hợp tác nhóm nước CLMV nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đề nghị đưa CLMV tham gia vào các cơ chế hợp tác chung của ASEAN với các đối tác và các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Tổng Thư ký ASEAN dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN - WEF ASEAN tại Hà Nội. Tổng Thư ký Lim Jock Hoi đã vui vẻ nhận lời.

* Bên lề hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Thái Lan đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam như ThaiBev và SCG.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đã rời Bangkok về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ACMECS 8 và CLMV 9.

TTXVN