Hé mở tia hy vọng cho Afghanistan

Thế giới - Ngày đăng : 06:25, 19/06/2018

(HNM) - Sau một thời gian dài tưởng chừng bế tắc, tiến trình hòa bình tại Afghanistan vừa lóe lên tia hy vọng nhờ động thái tích cực của chính phủ nước này và nhóm phiến quân Taliban nhân dịp lễ Eid al-Fitr.

Người dân Afghanistan hy vọng về hòa bình sau lệnh ngừng bắn.


Trong một bước đi mới nhất, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tuyên bố kéo dài vô thời hạn lệnh ngừng bắn mà phía chính phủ dự kiến ban đầu chỉ có hiệu lực trong 7 ngày, còn Taliban dự kiến chỉ trong 3 ngày. Tuyên bố được đưa ra sau khi phía Taliban cho biết tạm ngừng xung đột trong 3 ngày, tiếp nối lệnh ngừng bắn đơn phương kéo dài tới ngày 13-6 vừa qua của chính phủ Afghanistan. Trong một động thái khác, văn phòng Tổng thống Afghanistan cũng cho biết, 46 tù nhân Taliban đã được trả tự do. Theo đó, các thành viên Taliban người Afghanistan từ bây giờ có thể nhận sự trợ giúp và hưởng lợi như mọi người dân khác.

Tại thủ đô Kabul và nhiều khu vực khác, người dân Afghanistan không giấu nổi sự ngạc nhiên trước sự xuất hiện của nhiều tay súng Taliban trên các con phố bên cạnh binh lính chính phủ. Trên các trang mạng xã hội, hình ảnh lính Taliban và binh sĩ chính phủ khoác vai, chào đón nhau một cách thân thiện được chia sẻ với tần suất chóng mặt. Thậm chí, nhiều đám đông trên các con phố còn bày tỏ vui mừng chào đón sự hiện diện của các tay súng Taliban. Đây là điều vô cùng ngạc nhiên bởi chỉ vài ngày trước đó, Taliban và quân đội Afghanistan còn giao tranh ác liệt với nhau.

Có thể thấy, những tín hiệu thiện chí vừa qua sẽ là động lực để hai bên tiếp tục triển khai các cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt xung đột kéo dài gần hai thập kỷ qua tại quốc gia Nam Á này. Theo các nhà phân tích, từ đầu năm tới nay, thế giới liên tục được chứng kiến sự “xuống thang” của chính phủ Afghanistan với mong muốn đưa đất nước thoát khỏi cảnh “nồi da, nấu thịt”. Nếu như trước đây, Tổng thống A.Ghani luôn gọi Taliban là “quân nổi dậy” và “khủng bố” thì giờ đã sẵn sàng công nhận Taliban là một nhóm chính trị hợp pháp. Ngoài ra, người đứng đầu quốc gia Nam Á này còn đề xuất thả tù nhân cùng một loạt lựa chọn khác.

Bế tắc trong các cuộc hòa đàm là điều kiện tiên quyết được phía Taliban đưa ra, yêu cầu rút toàn bộ lực lượng quân đội nước ngoài khỏi Afghanistan. Mới đây thủ lĩnh tối cao của Taliban Mullah Hebatullah Akhundzada cũng đề nghị thương lượng trực tiếp với Mỹ nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay ở Afghanistan. Tuy nhiên, Washington vẫn chưa đưa ra câu trả lời nào. Theo con số thống kê gần đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang đồn trú ở Afghanistan 16.000 quân, trong đó binh sĩ Mỹ là 11.000. NATO cho rằng, sự hiện diện này sẽ tạo áp lực buộc Taliban phải ngồi vào bàn "nói chuyện". Tuy nhiên, hành động quân sự của NATO trong khu vực làm dấy lên nghi ngờ từ các bên, khiến tiến trình hòa bình Afghanistan dậm chân tại chỗ.

Gần 17 năm đã qua kể từ ngày Tổng thống Mỹ George W.Bush tuyên bố mở màn cuộc chiến chống khủng bố quốc tế tại Afghanistan, dù thủ lĩnh khủng bố Al-Qaeda Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt, song cuộc chiến của Mỹ tại quốc gia Nam Á vẫn chưa thể đi tới hồi kết. Taliban đã tập hợp lại lực lượng và chiếm đóng nhiều vùng ở phía Đông và Nam Afghanistan. Dù chứng kiến nhiều sự thay đổi quyền lực, song cuộc sống của người dân vẫn trong cảnh khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Bình yên được cho là giấc mơ quá xa vời ở quốc gia Nam Á này khi các vụ tấn công khủng bố xảy ra liên tiếp ở nhiều nơi. Theo một số chuyên gia phân tích, chiến lược của Mỹ và NATO nhằm thúc đẩy Taliban trở lại bàn đàm phán thông qua các biện pháp quân sự sẽ khó có thể nhận được sự đồng tình của người dân.

Chính vì vậy, thông tin về việc kéo dài lệnh ngừng bắn vô thời hạn trên khiến dư luận quốc tế kỳ vọng các bên tham chiến tại Afghanistan sẽ có những nhìn nhận tích cực để đưa ra thay đổi phù hợp, mở ra tia hy vọng về hòa bình lâu dài cho đất nước này.

Quỳnh Dương