Bài cuối: Minh bạch thông tin, tuân thủ quy luật thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 19/06/2018
Hợp đồng liên kết cần chặt chẽ, rõ ràng
Theo ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để tăng cường liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản trong chuỗi giá trị, các ngành chức năng cần tập trung nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia liên kết, hợp tác; tổ chức tuyên truyền nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác điển hình, khuyến khích mô hình liên kết, hợp tác thông qua ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản. Việc xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác cần theo nguyên tắc điều tiết của thị trường, bên nào không thực hiện đúng nội dung đã ký mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại…
Các doanh nghiệp cần liên kết sản xuất và phân phối, bán lẻ theo cơ chế thị trường. Trong ảnh: Khu vực sơ chế tại Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt |
Ngoài ra, các bên ký hợp đồng cần thỏa thuận xử lý những thiệt hại do thiên tai, đột biến về giá cả thị trường và các nguyên nhân bất khả kháng khác theo nguyên tắc “cùng chia sẻ rủi ro” và đề xuất Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Biggreen Việt Nam đề nghị các ngành chức năng cần đẩy mạnh triển khai đồng bộ các quy hoạch; tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô tập trung. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào vùng quy hoạch phát triển lâu dài, bền vững, nguồn hàng hóa lớn và tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Mặt khác, chính quyền địa phương cần có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp cùng tháo gỡ những phát sinh khi người dân phá vỡ hợp đồng…
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng liên kết giữa khu vực sản xuất và phân phối, bán lẻ trong các chuỗi ngành hàng; tạo dựng lòng tin vào hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Nhà nước nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode nhằm truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đông - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác khuyến nông, đào tạo, phổ biến kiến thức cho nông dân nhưng không chỉ dừng lại ở kỹ thuật sản xuất mà cần trang bị kỹ năng phối hợp tiêu thụ sản phẩm. Về phía Nhà nước, nên có sự hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo ra giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp. Phía doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc cam kết thu mua sản phẩm trong hợp đồng đã ký kết cho người dân khi vào vụ thu hoạch…
Tháo gỡ cơ chế hỗ trợ
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Quốc Toản, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các văn bản dưới luật để cụ thể hóa những quy định, giải pháp khuyến khích liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các tỉnh, thành phố hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nhà nước nên xây dựng và ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách để xây dựng mô hình thí điểm chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; huy động các nguồn lực tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (Thường Tín) Đào Quang Vinh cho rằng, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố có chính sách đặc thù hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ thực phẩm an toàn; đồng thời, hỗ trợ xây dựng chuỗi. Tuy nhiên, chính sách cần tập trung đều ở các khâu: Sản xuất, sơ chế, chế biến và phân phối, tiêu thụ sản phẩm nhằm bảo đảm khuyến khích mọi thành viên khi tham gia phát triển chuỗi liên kết…
Để các chuỗi phát huy hiệu quả, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố ban hành chính sách khuyến khích phát triển chuỗi liên kết an toàn thực phẩm; đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm; thí điểm xây dựng khu tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc tại chợ truyền thống, chợ đầu mối; phát triển đa dạng hạ tầng thương mại phục vụ hoạt động kinh doanh nông sản. Mặt khác, Nhà nước nên hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong việc xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm an toàn và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm cho nông dân…
“Các bộ, ngành cần tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ phát triển, thành lập hiệp hội ngành hàng làm trung gian đàm phán hợp đồng liên kết giữa các tác nhân: Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi và đàm phán tiêu thụ, bảo vệ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản dưới luật để cụ thể hóa các quy định, giải pháp khuyến khích trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Đơn cử như các quy định yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp thông tin sản phẩm, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng…” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường kiến nghị.