Cơ hội nào cho cổ phiếu ngân hàng?
Tài chính - Ngày đăng : 15:12, 19/06/2018
Giảm mạnh do tăng nóng
Thị trường chứng khoán tháng 5 qua đi với sự tiếp nối chuỗi giảm điểm kéo dài từ tháng 4. Các chỉ số tiếp tục giảm sâu xóa hết nỗ lực tăng điểm từ đầu năm. VN-Index tạo đáy ở 931,75 điểm, giảm 22,6% từ mức đỉnh hơn 1.200 điểm ghi được vào ngày ngày 9-4.
Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, mặc dù chỉ số phục hồi trong những phiên cuối tháng 5 lên 971,25 điểm nhưng vẫn thấp hơn mức cuối năm 2017.
Tính chung, VN-Index và HNX-Index giảm lần lượt 7,5% và 6,3% trong tháng 5. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm 11%. Ở tháng liền trước, cổ phiếu ngành này đã hạ 14%.
(ảnh minh họa) |
Đợt giảm kéo dài trên đã khiến nhiều cổ phiếu, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn, trở nên rẻ hơn. Xét riêng 15 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, có đến 11 mã ghi nhận P/E (hệ số giữa giá cổ phiếu trên lợi nhuận, phản ánh mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập bình quân trên một cổ phiếu) thấp hơn. P/E của rổ VN30 hiện cũng chỉ còn 15,5, giảm khá sâu nếu so với mức đỉnh 19,6 trước đó.
Sang tháng 6, trong hai tuần đầu tiên thị trường diễn biến tích cực và chỉ số chung vượt mốc 1.000 điểm, lên 1.039 điểm vào ngày 11-6. Tuy nhiên, những ngày gần đây, đặc biệt phiên 18-6, lực bán mạnh, chủ yếu xuất phát từ khối ngoại, đã khiến thị trường giảm sâu và tuột mốc quan trọng. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm bị bán mạnh nhất trong phiên.
Nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng giảm liên tục trong các tháng qua được cho là nhóm này đã tăng quá nóng trong quý I (tăng 40%). Bên cạnh đó là sức ép giảm dư nợ vay margin (cho phép nhà đầu tư vay tiền để mua số lượng cổ phiếu có giá trị lớn hơn giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư có trong tài khoản chứng khoán).
Đầu năm 2018, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất và cũng là ngành thu hút dòng tiền mạnh nhất trên thị trường chứng khoán, trong đó nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bảy tài chính margin. Vì đòn bẩy quá cao nên khi thị trường có biến cố hoặc áp lực bán mạnh thì ngay lập tức cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng bởi áp lực bán giải chấp (động thái bán ra của nhà đầu tư hoặc công ty chứng khoán nhằm thu hồi tiền, mà tiền này là tiền vay) diễn ra.
Cơ hội hút dòng tiền
Tuy nhiên, tại một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, cổ phiếu ngân hàng là những ứng cử viên có thể xem xét cho mục tiêu giao dịch ngắn hạn.
Sở dĩ, công ty này đưa ra nhận định trên bởi cổ phiếu ngành này sẽ được hỗ trợ từ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm 2018. Kết quả kinh doanh quý I của cổ phiếu ngân hàng đã phần nào chỉ báo sớm cho điều trên với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của 13 ngân hàng niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đạt lần lượt 56,34 nghìn tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước và 20,13 nghìn tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước, bằng 23%-27% kế hoạch năm 2018; trong khi quý I thường là mùa thấp điểm của các ngân hàng.
“Nhiều ngân hàng sẽ sớm đạt được kế hoạch đề ra trước thời điểm kết thúc năm tài chính. Vì vậy, cổ phiếu ngân hàng có thể được xem là cơ hội tốt khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II diễn ra”, VDSC tin tưởng.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta nhìn nhận, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ thu hút mạnh dòng tiền và tăng mạnh trở lại sau khi kết quả kinh doanh quý II được công bố. Lý do bởi, đây là nhóm ngành được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao. Cùng với đó, cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn nên tính dẫn dắt thị trường của dòng này vẫn duy trì trong năm nay.
“Nhìn tổng quan, ngành này đã tốt hơn nhiều so với hai năm về trước. Những ngân hàng có quy mô nhỏ đang đẩy mạnh tái cơ cấu, nợ xấu được xử lý đáng kể sau khi Nghị quyết 42 của Quốc hội có hiệu lực”, ông Minh nói.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ 15-8-2017 đến cuối tháng 3-2018, toàn hệ thống đã xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Đến cuối tháng 3-2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng chiếm 2,18% tổng dư nợ.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, ngành ngân hàng cũng đang đẩy mạnh sang hướng ngân hàng bán lẻ khi mà nhu cầu vay của cá nhân gia tăng và đạt lợi nhuận tốt từ mảng này.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV nhận định, với việc lãi suất ổn định, tín dụng duy trì đà tăng trưởng (tăng 6,61% sau 5 tháng), tỷ giá ổn định, lợi nhuận dự báo khả quan, P/E thấp hơn, kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm hút dòng tiền và tăng mạnh trở lại.
Theo đại diện Công ty Chứng khoán BIDV, đây là nhóm ngành quan trọng, chi phối mạnh thị trường chứng khoán. Với các yếu tố hỗ trợ trên, nếu cổ phiếu ngân hàng không thu hút được dòng tiền, không hồi phục từ nay đến cuối năm thì thị trường chứng khoán khó có cơ hội đi lên.