Minh bạch trách nhiệm sẽ rõ hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:55, 20/06/2018
Trong những năm qua, hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước luôn được chú trọng ở các cấp, ngành. Chỉ tính riêng năm 2017, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã đạt những kết quả quan trọng, tạo đà cho năm 2018 và các năm tiếp theo. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2017, đã có 69 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, nhiều doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước rất lớn, trên 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đánh giá tổng thể, kết quả của việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa như kỳ vọng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 tháng đầu năm 2018 mới cổ phần hóa được 5 doanh nghiệp. Con số này còn khoảng cách rất lớn so với kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt - năm 2018 là phải cổ phần hóa được 85 doanh nghiệp.
Nguyên nhân của thực trạng này được phân tích và nhìn nhận ở nhiều góc độ. Từ việc vẫn còn bất cập trong định giá tài sản, kiểm toán chậm... đến việc không ít bộ, ngành, địa phương, đơn vị bị động, lúng túng trong quá trình thực hiện... Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ xác định, nguyên nhân của việc chậm cổ phần hóa, bán vốn là do tâm lý một số nơi quá thận trọng, nhiều nơi sợ sai, sợ phải giải trình. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng vẫn không chịu niêm yết, dù đã đủ điều kiện... Và đây là việc phải chấn chỉnh.
Được xác định là năm bản lề trong quá trình “tái thiết” doanh nghiệp nhà nước nên năm 2018, các cấp, các ngành dồn lực, quyết tâm thực hiện chủ trương này. Hơn thế, không chỉ thiên về số lượng, mà tái cơ cấu cần đạt yêu cầu cả về chất lượng với mục đích bảo đảm lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Điều này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, mỗi cấp, ngành và cá nhân người đứng đầu. Thực tế cho thấy, bộ, ngành nào quyết liệt thì chuyển biến tốt, nơi nào lãnh đạo không quyết liệt thì công việc trì trệ, kết quả hạn chế. Do đó, nguyên nhân chủ quan là quan trọng nhất. Trong đó, trước hết cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, phân định và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và Đề án mà Chính phủ đã phê duyệt; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, bất cập phát sinh.
Đồng thời, đại diện các chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục cơ cấu lại toàn diện về tổ chức, chiến lược, tài chính, công nghệ, sản phẩm, ngành nghề, nhân sự... Người đứng đầu doanh nghiệp phải rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của đơn vị mình và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan. Và để "vá" lỗ hổng trong công tác này, cần kiểm soát chặt đất đai, giá trị doanh nghiệp; xử lý nghiêm mọi hành vi đầu cơ, trục lợi trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn...
Khi minh bạch trách nhiệm, các giải pháp được thực hiện đồng bộ thì những thách thức trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước sẽ có lời giải và đúng định hướng, rõ hiệu quả.