Vụ PVN góp 800 tỷ đồng vào Oceanbank: Xét hỏi, làm rõ về 3 lần góp vốn

Pháp luật - Ngày đăng : 21:03, 20/06/2018

Ngày 20-6, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo trong vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank).

Đầu phiên xét xử buổi chiều, sau khi hội ý với đại diện Viện Kiểm sát, Chủ tọa Nguyễn Vinh Quang thông báo tạm dừng phiên tòa chiều 20-6, sáng mai (21-6), Tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Quang cảnh phiên xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Xét hỏi, làm rõ 3 lần góp vốn của PVN vào Oceanbank

Trong phiên xét xử ngày 20-6, Tòa phúc thẩm tập trung xét hỏi, làm rõ nhiều nội dung liên quan về 3 lần góp vốn của PVN vào Ngân hàng Oceanbank.

Theo bản án sơ thẩm, PVN đã 3 lần góp vốn với tổng số tiền 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank, nhưng toàn bộ số tiền trên đến nay bị thiệt hại.

Trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại nêu trên thuộc về Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN) và các đồng phạm, trong đó Đinh La Thăng với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý và bảo toàn vốn của PVN.

Trong 3 lần Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN ban hành chủ trương góp vốn, bổ sung vốn góp mua cổ phần của Oceanbank giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011, trên cương vị thành viên Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Vũ Khánh Trường trực tiếp tham gia biểu quyết 2 lần (đợt 2 năm 2010 và đợt 3 năm 2011); trực tiếp ký Nghị quyết số 4658/NQ-DKVN kèm theo Phụ lục về việc chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ năm 2010 lên 5.000 tỷ đồng của Oceanbank thành 2 đợt (đợt 1 tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, đợt 2 tăng từ 3.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng) và PVN sẽ góp vốn bổ sung để duy trì nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank.

Bị cáo Vũ Khánh Trường cũng biểu quyết đồng ý để Hội đồng thành viên PVN ban hành Nghị quyết 4266 góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng giai đoạn 3, nâng tổng số vốn góp thành 800 tỷ đồng, chiếm 20% vốn điều lệ mới của Oceanbank (4.000 tỷ đồng).

Trả lời phần xét hỏi, bị cáo Vũ Khánh Trường cho rằng, việc góp vốn đã có sự đồng ý về mặt chủ trương của lãnh đạo Hội đồng quản trị, những lần góp vốn tiếp theo chỉ là làm "theo quá trình" và đều theo ủy quyền của bị cáo Đinh La Thăng.

Theo bị cáo Trường, trong 3 lần góp vốn thì 2 lần đầu là đúng quy định, chỉ có lần thứ 3 là sai. Vì thời điểm góp vốn lần 3, bị cáo không biết quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực do chưa kịp cập nhật. Sau này khi được cơ quan điều tra giải thích, bị cáo mới biết và nhận thức được việc làm của mình.

Thừa nhận bản thân có sai phạm, nhưng bị cáo Trường mong Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt do trong quá trình công tác bản thân có nhiều cống hiến, có nhiều huân huy chương, bản thân hay ốm đau, bệnh tật.

Về trách nhiệm dân sự, Vũ Khánh Trường xin được miễn bồi thường cho PVN vì cho rằng, việc thiệt hại 800 tỷ đồng nếu có thì không chỉ thành viên Hội đồng thành viên phải chịu trách nhiệm mà còn do ban lãnh đạo của Oceanbank, người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank.

Đến đây, Hội đồng xét xử ngắt lời bị cáo và giải thích rằng, việc PVN mất vốn là do việc gửi tiền trái pháp luật. Việc quản lý yếu kém của Oceanbank đã được giải quyết trong một vụ án khác, do đó trong phạm vi vụ án này, các bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Nghị quyết góp vốn vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010

Theo bản án sơ thẩm, trong 3 lần góp vốn, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) theo ủy quyền của Đinh La Thăng đã ký ban hành Nghị quyết 4266 ngày 16-5-2011 phê duyệt chủ trương PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng (lần 3), nâng tổng số vốn góp của PVN lên 800 tỷ đồng, để duy trì tỷ lệ 20% vốn điều lệ của Oceanbank.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng cho biết, vào giữa năm 2011 được bị cáo Đinh La Thăng ủy quyền cho xử lý mọi công việc của PVN trong thời gian đi vắng.

Trong thời gian này, bị cáo Thắng đã ký thay bị cáo Thăng vào nghị quyết góp vốn lần thứ ba. Đồng thời, bị cáo Thắng thừa nhận trước khi ký nghị quyết đã không ra dự thảo nghị quyết. Nghị quyết không thể hiện có sự biểu quyết đồng ý của các thành viên Hội đồng thành viên.

Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng khai: "Sau khi Đinh La Thăng đi công tác về, Thắng đã báo cáo Đinh La Thăng về việc ký Nghị quyết số 4266 để PVN góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng vào Oceanbank, nhưng Đinh La Thăng không có chỉ đạo gì mà đồng ý để thực hiện".

Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng thừa nhận, việc ký Nghị quyết số 4266 là chưa đúng theo quy định nhưng cho rằng việc mình ký Nghị quyết này chỉ là thực hiện tiếp theo các nghị quyết trước đó của Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN.

Đồng thời, bị cáo Thắng cho rằng mình không trực tiếp soạn thảo nghị quyết này, chỉ ký theo ủy quyền, nội dung do bộ phận thư ký soạn thảo.

Từ đó, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nội dung kháng cáo; mong muốn Tòa cho hưởng án treo và không phải bồi thường thiệt hại về dân sự. Bị cáo cho rằng mình chỉ có vai trò giúp sức không đáng kể, có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Về việc góp vốn lần 3, theo bản án sơ thẩm, các bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng, Trưởng ban Tài chính Kế toán và Kiểm toán); Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN); Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Nguyễn Xuân Thắng (cùng là nguyên thành viên Hội đồng thành viên) đều thừa nhận việc báo cáo đề xuất và biểu quyết đồng ý ban hành Nghị quyết 4266 ngày 16-5-2011 để PVN góp vốn 100 tỷ đồng là trái với khoản 2, điều 55, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

Theo Vietnamplus