Sóng gió lại nổi trên chính trường Đức
Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 20/06/2018
Bất đồng về vấn đề người nhập cư tạo ra thách thức lớn đối với chính quyền của Thủ tướng Đức A.Merkel. |
Rạn nứt trong đại liên minh bắt đầu xuất hiện khi Thủ tướng A.Merkel bác bỏ kế hoạch nhập cư tổng thể của Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Horst Seehofer, đồng thời là Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) vùng Bayern. Đây là đối tác quan trọng trong liên đảng với Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của nữ chính trị gia 63 tuổi. Theo đề xuất của nhà lãnh đạo CSU, Đức sẽ trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ tùy thân hoặc đã đăng ký tị nạn tại các quốc gia thành viên khác trong Liên minh Châu Âu (EU). Song, điều này đi ngược lại chính sách mở cửa biên giới cho người tị nạn của Thủ tướng A.Merkel. Truyền thông Đức nhận định, nước này có khả năng sẽ phá vỡ nguyên tắc nhập cư Dublin và gây tổn hại tới Hiệp ước Schengen về tự do đi lại nếu áp dụng các biện pháp quản lý cứng rắn.
Người nhập cư vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở Đức và trên khắp Châu Âu, khi cuộc nội chiến Syria dẫn tới cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất thế giới kể từ Thế chiến thứ II. Số người vào Đức tăng vọt trong năm 2015, sau khi Thủ tướng A.Merkel công bố chính sách mở cửa biên giới. Không ít người đổ lỗi cho làn sóng hơn 1,6 triệu người nhập cư gây ra khủng hoảng về việc làm, tội phạm và nhiều vấn đề xã hội tại Đức. Giới phân tích cho rằng, đây cũng là lý do giúp đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) lớn mạnh nhanh chóng và lần đầu tiên vượt qua đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 9-2017 để trở thành đảng lớn thứ 2 ở nước này, với quan điểm chống lại chính sách mở cửa cho người tị nạn Trung Đông và Châu Phi. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, có tới hơn 70% số người được hỏi đều phản đối chính sách về nhập cư của nhà lãnh đạo A.Merkel.
Sau 3 năm quyết định mở cửa cho người nhập cư, chính quyền của Thủ tướng Đức A.Merkel vẫn đang chật vật tìm kiếm giải pháp bền vững và thỏa đáng nhằm xoa dịu dư luận trong nước và bảo đảm những chính sách hợp tác, san sẻ gánh nặng chung của EU. Tuy nhiên, kế hoạch nhập cư tổng thể do CSU đưa ra sẽ cản trở Berlin trong nỗ lực đàm phán với các thành viên EU về chính sách nhập cư rộng lớn và bền vững hơn cho toàn khối. Các chuyên gia nhận định, việc nội bộ liên đảng CDU/CSU thất bại trong việc tìm lối đi chung về vấn đề người nhập cư cũng là cú sốc lớn với Châu Âu, trong bối cảnh các quốc gia khác như Tây Ban Nha, Pháp, Italia... đang loay hoay tìm giải pháp phù hợp.
Những bất đồng sâu sắc đã tạm lắng xuống sau cuộc đàm phán hôm 18-6 giữa CDU và CSU, khi Bộ trưởng H.Seehofer nhất trí với Thủ tướng A.Merkel gia hạn việc thực hiện chính sách do ông đề xuất đến sau Hội nghị Thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra cuối tháng này và chờ đợi các giải pháp từ người đứng đầu Chính phủ Đức. Tuy nhiên, CSU cũng đe dọa sẽ tiến hành các biện pháp kiểm soát biên giới, không tiếp nhận người tị nạn vào tháng 7 tới nếu Thủ tướng A.Merkel không có được câu trả lời thỏa đáng. Các thành viên đảng CSU cho biết, Chủ tịch H.Seehofer đã ra tối hậu thư, buộc Thủ tướng A.Merkel hoặc ủng hộ kế hoạch nhập cư tổng thể, hoặc cách chức Bộ trưởng Nội vụ Liên bang của ông, gây nguy cơ phá vỡ liên minh.
Hội nghị Thượng đỉnh EU sắp tới được kỳ vọng sẽ đưa ra những quyết định quan trọng và là cơ hội để các nhà lãnh đạo Châu Âu, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ Đức tìm kiếm sự đồng thuận. Các chuyên gia cho rằng, đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất với Thủ tướng A.Merkel trong suốt 13 năm cầm quyền, dù “bà đầm thép” đã nhiều lần chèo lái con thuyền nước Đức vượt qua vô vàn khó khăn.