Bài cuối: Bảo đảm hài hòa các lợi ích
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:24, 21/06/2018
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện điều kiện sống của người lao động. Ảnh: Thái Hiền |
Hướng tới yêu cầu tổng quát
Tái cơ cấu cũng không nên chỉ bó gọn về mặt số lượng để “hoàn thành nghĩa vụ” theo tâm lý nôn nóng, mà cần hướng tới việc thỏa mãn yêu cầu tổng quát, vì lợi ích chung, nhất là bảo đảm lợi ích của Nhà nước và xã hội. Trong báo cáo mới nhất về tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp từ 2011 đến 2016 được Quốc hội công bố mới đây, trong số 426 doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu thì các nhà đầu tư chiến lược mới chiếm hơn 7% tổng vốn điều lệ của doanh nghiệp đã cổ phần hóa. Như vậy, đương nhiên nhà đầu tư chiến lược sẽ không có nhiều tiếng nói, hoặc tầm quan trọng trong quá trình điều hành, đưa ra quyết sách của doanh nghiệp; trong khi mục tiêu của cổ phần hóa đã được xác định là nhằm đa dạng hóa nguồn sở hữu, tập trung thu hút thêm vốn và công nghệ cũng như kinh nghiệm điều hành từ các nhà đầu tư bên ngoài.
Nói cách khác, sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược mới chỉ dừng lại ở mức hình thức và họ không thể tham gia đủ mức độ để trở thành đòn bẩy cho quá trình “lột xác” của doanh nghiệp nhà nước, chưa kể nếu xét rộng hơn thì việc cổ phần hóa cũng không đạt yêu cầu... Từ thực trạng đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị, việc cổ phần hóa cần có tư duy, tầm nhìn dài hạn và toàn diện nhằm chọn ra nhà đầu tư chiến lược xứng đáng để vừa bảo đảm không thất thoát vốn nhà nước và tạo được đà cho sự phát triển mới của doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng, cần có sự hài hòa, cân đối giữa mục tiêu tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước với việc tìm nhà đầu tư chiến lược xứng đáng để từ đó có thể giúp doanh nghiệp tăng tốc độ phát triển. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các nội dung cần thiết, trên cơ sở chặt chẽ, công khai để bảo đảm việc bán vốn nhà nước diễn ra suôn sẻ, đúng thời điểm, đạt hiệu quả tổng hợp...
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, tái cơ cấu doanh nghiệp là chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá để nâng cao năng lực, hiệu quả sử dụng tài sản, đồng vốn của Nhà nước, nhưng xét cho cùng phải luôn bảo đảm tính công bằng, vì sự ổn định xã hội. Tất cả nhằm phát triển sản xuất, nâng cao vị thế và vai trò dẫn dắt thị trường của doanh nghiệp trong nước và trên hết là cải thiện điều kiện sống của người lao động. Vì vậy, tìm nhà đầu tư đủ mạnh, có tầm rất quan trọng, để tránh những ảnh hưởng, hậu quả tiêu cực trong quá trình thực hiện tái cơ cấu...
Cần sự chuyển biến toàn diện
Vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là việc các cấp có thẩm quyền, cơ quan hữu trách duy trì việc cung cấp thông tin về kết quả thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp để cộng đồng nhà đầu tư nắm được một cách đầy đủ, kịp thời và từ đó dễ dàng lựa chọn, tiến tới tham gia đầu tư vào doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng việc cung cấp thông tin về kế hoạch, kết quả thực hiện tái cơ cấu, định hướng và chủ trương "gọi" nguồn vốn ngoài nhà nước...
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng mong muốn cơ quan quản lý hoàn thiện đầy đủ quy trình thực hiện thoái vốn và cổ phần hóa, rõ ràng về thông tin, dễ tiếp cận, dễ tham chiếu. Theo ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, đã có trường hợp nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước, nhưng vì đơn vị này không có bản cáo bạch bằng tiếng Anh, nên nhà đầu tư không thể tiếp cận. "Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần làm tốt công tác hoàn thiện công đoạn chào bán cổ phần với kết quả kinh doanh, kiểm toán, cân đối tài chính, công nợ... một cách chính xác, bảo đảm chất lượng theo thông lệ và chuẩn quốc tế" - ông Vương Tuấn Dương nói.
Theo ông Vũ Vinh Phú, thực tế đã có trường hợp lợi ích nhóm thao túng khiến tài sản nhà nước rơi vào tay một nhóm, hoặc một nhà đầu tư, dưới nhiều hình thức và tình huống khác nhau... Không ít trường hợp người lao động rơi vào thế bị động do thiếu thông tin, hiểu biết và chịu cảnh lép vế, nên buộc phải “bán lúa non” cho nhà đầu tư; trong đó có cả trường hợp phải bán lại cổ phần của mình cho lãnh đạo của chính doanh nghiệp. Sau thiệt hại này, người lao động còn có thể thiệt hại hơn khi doanh nghiệp sau cổ phần hóa lại áp dụng phương án sản xuất mới, tăng vốn và "vô tình" đưa họ ra ngoài dây chuyền sản xuất; rồi họ “bỗng nhiên” trở thành người thất nghiệp. Ông Phú đề xuất, cơ quan quản lý cần tăng cường hoạt động kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, xác định rõ tinh thần vì người lao động và an sinh xã hội, chống lợi ích nhóm, hoặc sự can thiệp không trong sáng trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
Dư luận xã hội cũng cảnh báo tình trạng nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết, nội dung đã thỏa thuận ban đầu. Từ đó, cần tăng cường giám sát việc định giá tài sản, nhất là đối với đất đai, cũng như xem xét giá trị, khả năng sinh lời của từng vị trí đất theo cơ chế thị trường, tính đúng giá thị trường khi nhà đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa cần làm tốt, kể cả chủ động tham vấn đơn vị tư vấn để xác định chính xác, bổ sung giá trị thương hiệu trong định giá doanh nghiệp nhằm tránh thiệt hại không đáng có...
Cuối cùng, cần xác định việc tuân thủ chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ trong tái cơ cấu doanh nghiệp là yêu cầu và giải pháp quan trọng. Đơn cử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, địa phương bảo đảm chất lượng cũng như tốc độ tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp quản lý cũng như lãnh đạo doanh nghiệp. Đây là thông điệp và quan điểm thể hiện sự quyết liệt trong hoạt động điều hành. Tuy nhiên, đến nay mức độ xử lý còn chưa đủ sức răn đe, chưa tạo ra sự chuyển biến như mong muốn. Thực trạng này cần sớm được khắc phục, với tinh thần kiên quyết.