Báo chí thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0: Tìm cơ hội trong thách thức
Chính trị - Ngày đăng : 06:59, 21/06/2018
Các nhà báo Thủ đô tác nghiệp tại Nhà giàn DK1 tháng 4-2018. Ảnh: Bá Hoạt |
Khó tồn tại nếu không thay đổi!
Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ: Hiện nay, nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ thì một cơ quan báo chí chính thống cũng có thể thua kém một người dùng mạng xã hội về khả năng lan tỏa thông điệp, dù cùng sở hữu một lượng thông tin như nhau. Đó là nhận định mang tính đúc kết sau khi thế giới chứng kiến sự phát triển với tốc độ chóng mặt của mạng xã hội vốn có tính năng không khác gì một ấn phẩm báo chí đích thực, có khả năng tiếp cận bạn đọc rất nhanh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
Thực tế, việc báo chí phải đối diện với sự cạnh tranh từ mạng xã hội đã không còn là điều xa lạ, đặc biệt là về hiệu ứng lan truyền thông tin. Công chúng sở hữu những phương tiện nghe, nhìn hiện đại, nhiều tính năng, đòi hỏi báo chí phải tìm cách thích ứng với thời cuộc để không bị bỏ lại phía sau. Nếu không tìm ra giải pháp đối mặt với thách thức, báo chí (kể cả báo điện tử) sẽ chỉ là sự lựa chọn thứ yếu so với những mạng xã hội có số lượng người sử dụng khổng lồ và có sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ hoạt động liên tục, cập nhật thông tin 24/24 giờ.
Trong cuộc tọa đàm với chủ đề “Làm báo trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0” tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đánh giá rằng, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là đòi hỏi mang tính sống còn với các cơ quan báo chí và điều đó sẽ làm thay đổi kỹ năng tác nghiệp của phóng viên. Giờ đây, một nhà báo không chỉ cần thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh mà còn phải biết quay video clip về cùng một sự kiện, bảo đảm rằng sản phẩm của mình có thể được sử dụng cho cả báo in, báo điện tử, báo hình và phát thanh. Phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay. Thay vào đó, nhiều khi, nhà báo cần phải biết sử dụng chiếc điện thoại thông minh như một “tòa soạn thu nhỏ”, nhanh chóng chuyển tác phẩm về tòa soạn và sau đó, đến bạn đọc dưới nhiều hình thức khác nhau.
Gần đây, trong buổi tọa đàm “Ảnh báo chí - chuyện chưa kể”, phóng viên ảnh Quỳnh Trang của Zing News - một trong những báo điện tử có lượng bạn đọc truy cập hàng đầu Việt Nam - nói rằng, từ cách đây hơn 2 năm, cơ quan báo này đã hướng phóng viên đến cách làm việc “3 trong 1”. Thay vì chỉ chụp ảnh, viết tin bài, phóng viên kiêm luôn việc thực hiện video clip. Đó cũng là xu hướng chung trong cách tác nghiệp của phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí hiện nay.
Sự chuyển động của báo chí trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng được thể hiện rõ. Như khi nói về Giải Báo chí quốc gia năm nay, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận xét: “Dấu ấn của Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ thể hiện rõ ở các loại hình báo hình, báo nói, báo điện tử, mà còn thể hiện ở loại hình báo giấy dù mức độ thấp hơn. Đó là sự chuyển mình không thể khác nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người đọc”. Còn tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2018 vừa qua, lần đầu tiên Ban Tổ chức dành riêng một hạng mục giải thưởng cho đội ngũ kỹ thuật viên - một sự ghi nhận xứng đáng về vị trí, vai trò của đội ngũ này trong giai đoạn hiện nay.
Tâm thế dấn thân, tâm huyết với nghề
Phóng viên Báo Hànộimới học tập, nâng cao nghiệp vụ. Ảnh: Thái Hiền |
Gần đây, người trong giới báo chí thường nhắc đến nhận định “Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”. Rõ ràng, chính những người làm báo đã nhận ra thách thức trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Ở mức độ nào đó, tất cả đều đang cố gắng thích ứng để không bị tụt hậu, tìm giải pháp để vươn lên.
Thách thức song hành với yêu cầu đổi mới, nhưng cũng tạo cơ hội cho các nhà báo Việt Nam. Hàng loạt động thái của các cơ quan báo chí trong thời gian qua đã cho thấy sự chuyển mình rõ rệt. Nhiều nơi coi mạng xã hội như một mảnh đất tốt để đưa các sản phẩm báo chí chính thống đến với người đọc, người xem. Những mặt trái của mạng xã hội, trong đó, rõ nhất là nạn đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng… tạo hiệu ứng tuyên truyền rất xấu, nhưng đó cũng là cơ hội để các tờ báo khẳng định được vị trí, giá trị của mình thông qua việc đưa ra những bài viết phản biện với cách kiến giải trung thực, chính xác, sâu sắc, kịp thời. Đó là cơ hội tốt để các tác phẩm báo chí chính thống có thêm độc giả và có điều kiện phát triển, được người đọc, người xem, người nghe tin cậy tìm đến.
Nhưng để làm được điều nói trên, nhà báo không chỉ cần trui rèn kỹ năng khai thác sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ, mà còn cần tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, nâng cao vốn sống, hiểu biết, vốn nghề, xác định tâm thế dấn thân. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định: “Bên cạnh cập nhật kiến thức làm báo của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các nhà báo phải thường xuyên tự bồi đắp kiến thức, viết về lĩnh vực gì thì phải nắm chắc lĩnh vực đó”.
Tại hội thảo “Rèn luyện đạo đức và kỹ năng làm báo trong thời đại 4.0” vừa được tổ chức tại tỉnh Hưng Yên, có sự tham gia của hơn 20 cơ quan báo chí khu vực phía Bắc, nhiều ý kiến thống nhất rằng, chính đạo đức của người làm báo, thái độ trân trọng sự thật, trách nhiệm với tin tức và sự dấn thân là những giá trị cơ bản, xuyên suốt của nghề báo. Đó là thứ mà không máy móc hay công nghệ nào thay thế được. Quan trọng là các cơ quan báo chí phải định hướng và tạo ra lớp người làm báo đáp ứng được những tiêu chí về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.
Đúng là phải thay đổi để thích nghi với những biến chuyển về công nghệ làm báo, cách thức tiếp cận thông tin của công chúng báo chí. Tuy nhiên, vẫn có những giá trị phổ quát không bao giờ mất đi, không bao giờ suy giảm tầm quan trọng. Chỉ khi giữ được những giá trị đó thì báo chí cách mạng mới có thể biến thách thức thành cơ hội và tận dụng tối đa cơ hội đó để phát triển bền vững, bất kể đó là thách thức từ Cách mạng công nghiệp 4.0 hay những cuộc cách mạng kỹ thuật tiếp theo.