Nan giải xử lý rác thải làng nghề

Xã hội - Ngày đăng : 08:11, 22/06/2018

(HNM) - Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Dù có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố nhưng nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài, trong khi việc xử lý rác thải ở khu vực này vẫn nan giải.

Phân loại phế liệu ở làng nghề thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ).


Thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ), có nghề thu gom và tái chế đồng nát nên hằng ngày phát sinh lượng lớn rác thải. Hiện, bãi tập kết rác thải tạm thời của thôn Bảo Lộc đang tồn tại khoảng 200 tấn chất thải, chưa kể lượng rác tồn đọng trong các hộ gia đình. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phúc Thọ, rác thải từ làng nghề đồng nát thôn Bảo Lộc được tính là rác thải nguy hại.

Cũng ở huyện Phúc Thọ, xã Tam Hiệp đang có nghề may mặc phát triển. Mỗi ngày, xã phát sinh từ 4 đến 5 tấn rác thông thường (chủ yếu là vải vụn). Một số hộ dân trong xã đã xử lý rác thải bằng cách đốt, ảnh hưởng tới môi trường.

Tại huyện Gia Lâm, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp làng nghề trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết: Ở xã Dương Xá, người dân có nghề sản xuất hành phi, quá trình làm nghề có nhiều rác là vỏ hành. Theo quy định, đây là rác thải công nghiệp và các hộ sản xuất phải ký hợp đồng với đơn vị thu gom nhưng người dân vẫn bỏ chung vào rác thải sinh hoạt. Tại các làng nghề sản xuất gốm sứ Bát Tràng, vải Ninh Hiệp... cũng xảy ra tình trạng tương tự hoặc đổ không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Hiện toàn TP Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Hoạt động sản xuất làng nghề ở Hà Nội đã thu hút gần 1 triệu lao động, trong đó có hơn 700 nghìn lao động thường xuyên, chiếm hơn 42% tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Làng nghề Hà Nội được phân theo 8 loại hình sản xuất: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc và các loại hình khác. Tuy nhiên, đa số làng nghề ít đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý môi trường… nên nhiều nơi bị ô nhiễm nặng.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 2269/UBND-ĐT về việc “Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn TP Hà Nội”.

Trong đó, thành phố giao các quận, huyện, thị xã tuyên truyền đến cộng đồng dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường; phân loại, tăng cường tái sử dụng chất thải rắn để giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trên địa bàn thành phố...

Theo ông Vũ Văn Hải, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phúc Thọ, rác thải làng nghề được chia thành 2 loại là rác thải công nghiệp thông thường và rác thải công nghiệp nguy hại. Theo quy định, các hộ sản xuất phải ký hợp đồng với công ty môi trường thu gom và xử lý riêng, không để lẫn vào rác thải sinh hoạt.

Tuy nhiên, do giá thu gom rác thải công nghiệp nguy hại khá cao, từ 2.000 đến 4.000 đồng/kg nên người dân thường đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ. Tháo gỡ khó khăn, huyện Phúc Thọ đã đề nghị một số công ty môi trường chia sẻ với người dân làng nghề, đưa ra giá thu gom hợp lý hơn.

Còn tại huyện Gia Lâm, để giải quyết tình trạng này, huyện đã phối hợp với đại diện Hiệp hội Làng nghề tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân nhằm thay đổi hành vi bảo vệ môi trường. Huyện Gia Lâm cũng đang tính toán để trong năm 2018, sẽ hỗ trợ các làng nghề Kim Lan, Bát Tràng, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp… xây dựng các điểm tập kết chất thải, tránh tình trạng đổ rác thải làng nghề không đúng nơi quy định.

Bùi Chiến Thắng