Xử lý nghiêm xe “dù”, bến “cóc”

Giao thông - Ngày đăng : 08:20, 22/06/2018

(HNM) - Thời gian qua, tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng trá hình hoạt động như xe khách liên tỉnh tuyến cố định đã gây ra những hệ lụy phức tạp, làm gia tăng ùn tắc và tai nạn giao thông...

Nhằm hạn chế tình trạng này, Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội vừa kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu tổ chức cắm biển cấm dừng, đỗ xe tại các điểm "nóng" và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.


Một lái xe chạy tuyến Mỹ Đình - Lạng Sơn phản ánh, khoảng 2 năm gần đây, lượng khách đến Bến xe Mỹ Đình giảm hẳn. Một phần nguyên nhân của tình trạng này là do xung quanh Bến xe Mỹ Đình luôn tồn tại nhiều xe “dù”, bến “cóc” đi các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn... nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp trong bến.

Anh Phạm Văn Hưng, cán bộ điều hành Công ty cổ phần Vận tải ô tô Ninh Bình cho biết, tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe limousine dưới 9 chỗ len lỏi vào khu vực nội thành không chỉ làm mất trật tự an toàn chung của thành phố, mà ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải tuyến cố định. Công ty cổ phần Vận tải ô tô Ninh Bình dù có 80 nốt xe chạy tuyến Giáp Bát - Ninh Bình, song thực tế số lượt xe đang hoạt động chỉ đạt 50-60% do không có khách.

Theo ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội, tình trạng xe “dù”, bến “cóc” cũng như xe hợp đồng vi phạm đang diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là khu vực xung quanh các bến xe. Trước tình hình đó, Thanh tra Sở đã phân công 2 Phó Chánh Thanh tra Sở trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm tại các khu vực Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Gia Lâm, Yên Nghĩa...

Qua ghi nhận, các doanh nghiệp vận chuyển hành khách bằng xe hợp đồng đã thành lập văn phòng đại diện tại các tuyến phố xung quanh Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, sử dụng xe dưới 9 chỗ để vận chuyển hành khách như tuyến cố định.

Trong khi đó, tại các tuyến phố này thường không có biển cấm đỗ, cấm dừng. Hơn nữa, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đang bộc lộ những bất cập khiến cho việc xử phạt vi phạm gặp khó khăn.

Nhằm nâng cao hiệu lực xử lý, mới đây, Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng cần lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các tuyến đường xung quanh các bến xe để xử phạt nguội với các phương tiện, doanh nghiệp vi phạm nhiều lần qua hệ thống camera giám sát và qua dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình.

Cùng với đó là nghiên cứu tổ chức cắm biển cấm dừng, cấm đỗ xe tại các tuyến đường có văn phòng đại diện của doanh nghiệp vận chuyển khách hợp đồng; đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động văn phòng đại diện của doanh nghiệp nếu để tái diễn hoạt động đón, trả khách tại trụ sở văn phòng đại diện.

Đồng thời cắm biển hạn chế hoạt động đối với xe vận chuyển khách dưới 9 chỗ tại khu vực xung quanh các bến xe (Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm…), các tuyến đường trung tâm thành phố; tước phù hiệu đối với các phương tiện vi phạm nhiều lần...

Đặc biệt, các địa phương, doanh nghiệp vận tải... kiến nghị cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2014/NĐ-CP cho phù hợp với hoạt động thực tế của lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Sáu tháng đầu năm 2018, Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 4.202 trường hợp vi phạm các loại, phạt tiền trên 4,8 tỷ đồng, tạm giữ 44 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 754 trường hợp, tước phù hiệu 71 trường hợp. Trong đó, riêng loại hình xe hợp đồng lập biên bản xử phạt 974 trường hợp với các lỗi chủ yếu như: Đón trả khách tại nơi có biển cấm dừng, đỗ; không có hợp đồng vận chuyển; không có hoặc không mang theo danh sách hành khách..., qua đó đã phạt tiền gần 1,2 tỷ đồng, tạm giữ 10 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 232 trường hợp.

Tuấn Lương