“Miếng bánh” hấp dẫn nhà đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 07:40, 22/06/2018
Tiềm năng lớn
Ngành logistics hiện đang tham gia rất sâu rộng vào tất cả các mặt đời sống cũng như mọi hoạt động của nền kinh tế. Về quy mô, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2017, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20% GDP (khoảng 40 tỷ USD). Như vậy, có thể nói logistics có vai trò rất lớn và cần được tập trung phát triển cho xứng tầm với quy mô của ngành cũng như tiến tới giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh nói chung.
TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành logistics. |
Là trung tâm kinh tế hàng đầu, TP Hồ Chí Minh có thị trường lớn nhất cả nước về xuất - nhập khẩu cũng như tiêu dùng nội địa. Hiện thành phố có 11 cảng container và trực tiếp xuất - nhập khẩu hàng rời với tổng diện tích trên 310ha và trên 7.000m cầu tàu. Chỉ riêng về sản lượng container thông qua hệ thống cảng thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh năm 2017 là khoảng 6,5 triệu TEU (1 TEU tương đương 1 container loại 20 feet), chiếm tới trên 60% của cả nước.
Như vậy, có thể nói TP Hồ Chí Minh là trung tâm và đầu mối về phát triển dịch vụ logistics rất lớn và có tiềm năng nhất cả nước. Lâu nay, các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố đã quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng như cảng biển, kho bãi và trung tâm logistics...
Tuy nhiên, ngành logistics thành phố còn có những bất cập về phát triển hạ tầng giao thông; phát triển logistics chưa mang tính đột phá và liên kết vùng, khiến năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Thực tế cho thấy, chi phí không chính thức trong logistics tại TP Hồ Chí Minh còn cao.
Trong đó, chi phí bất hợp lý do phát sinh từ việc tuân thủ các yêu cầu của các cơ quan chức năng trong thông quan hàng hóa cũng như phát sinh từ việc chưa tối ưu hóa được các khâu của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Ngoài ra, tình trạng ách tắc giao thông tại các lối ra vào cảng khiến nhiều công ty vận tải không thể tăng tần suất số chuyến trong ngày và làm tăng chi phí vận chuyển nói chung.
TP Hồ Chí Minh đang cố gắng khắc phục những hạn chế trên, quy hoạch đồng bộ và có định hướng phát triển lâu dài, phù hợp với đề án xây dựng thành phố thông minh.
Xây dựng hai trung tâm logistics
So với các thành phố lớn trong khu vực ASEAN, ngành logistics TP Hồ Chí Minh tuy còn khá non trẻ nhưng đang dần tiến sang giai đoạn tăng trưởng hơn. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, mới đây VLA cùng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics (VLI) đã phối hợp với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nghiên cứu đề án phát triển logistics trên địa bàn thành phố.
Sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đề án phát triển logistics trên địa bàn thành phố và đang lên kế hoạch hoạt động. Ông Hiệp cho rằng, mặc dù trình độ phát triển logistics của các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh còn hạn chế nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang mạnh dạn đầu tư phát triển về công nghệ, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại.
“Có thể nói, về lâu dài Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng hoàn toàn có thể làm chủ được ngành logistics”, ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh.
Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp của thành phố sẽ tăng từ 2 đến 3 lần so với hiện nay. Do đó, cơ hội sở hữu quỹ đất để phát triển lĩnh vực đầy tiềm năng này là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, nhóm cảng TP Hồ Chí Minh được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, gồm khu bến trên sông Sài Gòn, khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp. Hiện thành phố đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tăng cường khả năng kết nối các khu bến trên. Trọng tâm là xây dựng tuyến đường liên cảng để phục vụ phát triển logistics.
Theo định hướng phát triển ngành logistics TP Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố đang nghiên cứu quy hoạch hai trung tâm logistics. Chức năng của hai trung tâm này là hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng, xuất khẩu…
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, trước mắt sẽ xây dựng một trung tâm logistics ở Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) vì nơi đây vẫn còn nhiều quỹ đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng ít. Trung tâm thứ hai dự kiến sẽ được xây dựng tại quận Thủ Đức, nơi được xem là “hạt nhân công nghiệp” của thành phố, có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, kho hàng và hạ tầng giao thông tương đối tốt.
Ngoài ra, thành phố cũng nghiên cứu xây dựng trung tâm chuyên dụng hàng không nằm trên đường kết nối giữa Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.