Không để kẽ hở khi coi thi

Giáo dục - Ngày đăng : 06:47, 23/06/2018

(HNM) - Hiệu trưởng nhà trường và trưởng điểm thi phải tổ chức học nghiệp vụ nghiêm túc, lưu tâm tới cả lực lượng coi thi dự trữ với yêu cầu 100% cán bộ coi thi tuân thủ đúng quy chế; không được để bất kỳ một khoảng trống, kẽ hở nào trong quy trình coi thi.

Hà Nội sẽ tăng cường giám sát kỷ luật phòng thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Viết Thành


Tăng cường giám sát

Đây là năm đầu tiên trong hội nghị tập huấn nghiệp vụ coi thi của Hà Nội có nội dung nhận diện và phòng ngừa một số loại thiết bị có thể sử dụng cho mục đích gian lận trong thi cử. Việc này được thực hiện trong bối cảnh thị trường kinh doanh thiết bị thu, phát tín hiệu siêu nhỏ diễn biến khá phức tạp và từ sự cố lọt đề thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội vừa qua.

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) thông tin: Thời gian vừa qua, Công an thành phố đã phát hiện, xử lý một số cá nhân kinh doanh thiết bị thu, phát tín hiệu kích thước siêu nhỏ. Trong quá trình đấu tranh, các đối tượng khai nhận khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Theo Thượng tá Hà Thị Hằng, có hai loại thiết bị thu, phát tín hiệu kích thước nhỏ phổ biến, đó là dạng vòng cổ và dạng thẻ ATM. Hai loại này trông như vật dụng cá nhân, thông thường phải kết nối với điện thoại di động, song cũng có loại không cần kết nối với điện thoại. Thông qua thiết bị này, thí sinh có thể đọc, truyền thông tin ra ngoài và nhận thông tin từ ngoài vào. Để đối phó, cán bộ coi thi cần kiểm soát chặt các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi và giám sát thường xuyên quá trình làm bài của thí sinh.

Với kỳ thi có mục đích kép (vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng), việc giữ gìn kỷ luật phòng thi, tạo môi trường nghiêm túc, công bằng cho thí sinh là nội dung được quán triệt kỹ tới 123 trưởng điểm thi.

Bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Nếu như năm trước, số lượng thanh tra được huy động căn cứ vào quy mô phòng thi, thì năm nay, Hà Nội thành lập 123 tổ thanh tra cắm chốt tại từng điểm thi. Mỗi điểm thi có 2 cán bộ thanh tra, bao gồm 1 người là giảng viên đại học, 1 người là giáo viên phổ thông.

Để kỳ thi đạt mục tiêu công bằng, nghiêm túc và hạn chế tối đa sai sót, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị rà soát và hoàn thiện công tác chuẩn bị về mọi mặt, chậm nhất vào sáng 23-6 phải bàn giao cho trưởng điểm thi; yêu cầu các trưởng điểm thi khi nhận nhiệm vụ cần quan tâm đến phương án xử lý (nếu xảy ra sự cố), nhất là việc bảo đảm an toàn cho đề, bài thi và các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho thí sinh...

“Trưởng điểm thi phải nắm chắc danh mục công việc từng ngày, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Nếu mỗi cán bộ coi thi đều tuân thủ đúng quy chế, thì không một hành vi gian lận nào, kể cả việc sử dụng thiết bị công nghệ cao, có thể lọt qua được” - ông Chử Xuân Dũng nhận định.

Những điều lưu ý với thí sinh


Theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu như năm trước, khoảng thời gian nghỉ giữa hai môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp là 20 phút, thì năm nay giảm xuống còn 10 phút, nên thí sinh phải nắm vững quy định để thao tác nhanh, đúng. Việc rút ngắn thời gian này cũng đòi hỏi thí sinh cần chuẩn bị tâm thế, giải quyết mọi sinh hoạt cá nhân trước khi bước vào thi. Bởi theo quy định, đối với tất cả các bài thi trắc nghiệm (trong đó có bài tổ hợp), thí sinh không được ra ngoài trong suốt thời gian làm bài.

“Trong trường hợp đặc biệt, thí sinh có thể được xem xét ra ngoài phòng thi, song phải nộp lại phiếu trả lời trắc nghiệm, phải chịu sự quản lý và tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát. Các thí sinh cũng không được phép ra ngoài đồng loạt, mà chỉ được ra lần lượt theo chỉ định của cán bộ coi thi. Thí sinh cần lưu ý điều này để tránh lãng phí thời gian, dễ ảnh hưởng đến phần thi tiếp theo” - ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) nhấn mạnh.

Nhằm hạn chế các hành vi gian lận, Hà Nội còn quy định việc sử dụng thống nhất loại giấy nháp ở bài thi tổ hợp cho tất cả các điểm thi. Giấy nháp có màu mực đỏ được dùng cho môn thi thành phần thứ nhất (tương ứng với môn vật lý, lịch sử), giấy nháp có màu mực xanh dùng cho môn thi thành phần thứ hai (hóa học và địa lý) và giấy nháp có màu mực đen dùng cho môn thi thành phần thứ ba (sinh học và giáo dục công dân).

Vì vậy, khi kết thúc môn thi thành phần trước, thí sinh nhớ nộp đề thi và giấy nháp tương ứng với môn thi. Nếu thí sinh thi môn thành phần thứ hai, mà còn để giấy nháp có màu mực đỏ trên bàn, coi như phạm quy.

Một quy định khác mà thí sinh không được phép quên, trong quá trình làm bài của tất cả các bài thi, môn thi, thí sinh tuyệt đối không được đánh dấu hoặc ghi các nội dung liên quan đến bài thi vào các loại giấy tờ, vật dụng đem theo.

Quy định này xuất phát từ thực tế các năm trước, một số thí sinh thường ghi số báo danh, mã đề thi, thậm chí số điện thoại... vào sau thẻ dự thi. Ngoài ra, thí sinh chỉ được sử dụng một màu mực (trừ mực đỏ) khi làm bài thi. Vì vậy, các thí sinh cần chuẩn bị dư số bút cần thiết, tránh để xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến thời gian làm bài.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 diễn ra từ ngày 25 đến 27-6-2018, với sự tham gia của gần 930 nghìn thí sinh trên cả nước, trong đó Hà Nội có gần 80 nghìn thí sinh. Cả nước có 2.144 điểm thi, thì Hà Nội có 123 điểm thi.

Ngày 24-6: Thí sinh có mặt tại điểm thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót trong phiếu đăng ký dự thi (nếu có) và học quy chế thi. Cũng trong ngày 24-6, hơn 8 nghìn cán bộ coi thi tại Hà Nội đều phải tham gia học quy chế tại điểm thi và đăng ký chữ ký mẫu để sử dụng trong các buổi thi.

Thống Nhất