Vẫn chưa hết lo
Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 23/06/2018
Lực lượng chức năng kiểm tra quán karaoke trên địa bàn phường Trung Hòa, Cầu Giấy. Ảnh: Tiền Phong |
Chưa thể yên tâm
Sau vụ cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, 85 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn quận Cầu Giấy đã bị đình chỉ hoạt động để cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, yêu cầu thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đến thời điểm này, trên địa bàn quận có 49 cơ sở đáp ứng các quy định trong lĩnh vực kinh doanh karaoke và yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy đã được khôi phục hoạt động.
Vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của quận Cầu Giấy đã kiểm tra đột xuất 18 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn. Trong đó, 2 cơ sở chưa được cấp phép kinh doanh karaoke, 5 cơ sở chưa được phục hồi hoạt động và 11 cơ sở đã được phục hồi hoạt động. Kết quả có 7 cơ sở vi phạm bị Đoàn kiểm tra lập biên bản, đề nghị UBND quận ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 157 triệu đồng.
Trung tá Đỗ Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 (Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội) cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều cơ sở có dấu hiệu chủ quan trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Tại cơ sở karaoke Kenzclub (phường Yên Hòa), nhiều bình chữa cháy, nút bấm báo cháy… ở một số tầng không hoạt động, nhân viên không biết sử dụng các thiết bị chữa cháy khi được yêu cầu. Tại quán karaoke Vũ Hải (phường Quan Hoa), Đoàn liên ngành phát hiện chủ cơ sở tự ý tháo dỡ các cửa chống cháy của cầu thang bộ…
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3, quận Nam Từ Liêm có 39 cơ sở kinh doanh karaoke bị đình chỉ hoạt động. Trong đó mới có 6 cơ sở đủ điều kiện được phục hồi hoạt động trở lại, còn các cơ sở khác vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Nam Từ Liêm Vũ Thị Thanh Thúy cho biết, UBND quận đã đề nghị cắt điện nước đối với 8 cơ sở đến Công ty Điện lực Nam Từ Liêm và doanh nghiệp cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được bởi Công ty Điện lực cho biết chỉ ngừng cung cấp điện khi có tình huống khẩn cấp.
Do vậy, các cơ sở bị đình chỉ vẫn hoạt động “chui”, không khắc phục vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Nhiều cơ sở còn đối phó theo cách ngừng kinh doanh karaoke nhưng lại hoạt động theo hình thức “hát cho nhau nghe”.
Nguy hiểm hơn, không phải cơ sở kinh doanh karaoke nào cũng có thể khắc phục tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Bởi thực tế, hầu hết các cơ sở này đều thuê nhà sau đó chuyển mục đích sử dụng sang kinh doanh dịch vụ karaoke.
Quyết liệt xử lý vi phạm
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quận kiến nghị UBND thành phố xem xét phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn quận giai đoạn 2018-2020. Đồng thời, UBND quận đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao báo cáo, xin ý kiến UBND thành phố về việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke đối với cơ sở đề nghị cấp mới, cơ sở đề nghị bổ sung phòng hát và có hướng dẫn để UBND quận thực hiện.
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng phương tiện chữa cháy tại quán karaoke. |
Theo bà Trịnh Thị Dung, hiện trên địa bàn quận có nhiều cơ sở đã đầu tư cơ sở vật chất từ trước khi thành phố có văn bản dừng cấp phép. Các cơ sở này đã có văn bản thẩm định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định và bảo đảm theo quy hoạch nhưng chưa được cấp phép kinh doanh vì thành phố dừng việc cấp mới.
Thực tế đặt ra là cần phải có biện pháp hữu hiệu trong quản lý các cơ sở kinh doanh karaoke. Trước những vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy của hàng chục cơ sở kinh doanh karaoke tại quận Nam Từ Liêm, Phó Chủ tịch UBND quận Trần Thanh Long khẳng định sẽ cưỡng chế cơ sở vi phạm, đồng thời đề nghị cắt điện nước nếu như không khắc phục tồn tại, lén lút hoạt động đón khách gây nguy hiểm.
UBND quận Nam Từ Liêm đã yêu cầu Công an quận và UBND các phường, Phòng Văn hóa - Thông tin quận, Đội Quản lý thị trường, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội... giám sát các cơ sở kinh doanh karaoke, nếu xảy ra vi phạm người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 cho biết, tuyên truyền, tăng cường xử lý là giải pháp quan trọng, nhưng các cơ quan liên quan và chính quyền sở tại cần có biện pháp nghiêm khắc hơn đối với các cơ sở karaoke vi phạm. Chính quyền cần tổ chức cho chủ cơ sở ký cam kết, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về những địa chỉ không đủ điều kiện đã bị đình chỉ để người dân được biết.
Theo Đại tá Lê Chí Cao, ngay cả các cơ sở kinh doanh karaoke đủ điều kiện, được phục hồi kinh doanh trở lại, phòng cũng yêu cầu cán bộ địa bàn phải bám sát các hoạt động, kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm phát sinh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, qua công tác giám sát của HĐND thành phố đã phát hiện khoảng 1.200/1.600 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố chưa đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy. |