Nhiều mô hình mới, cách làm hay

Đời sống - Ngày đăng : 07:48, 23/06/2018

(HNM) - Thời gian qua, các địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua theo hướng thực chất. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.


Giờ đây, khi đi dọc nhiều tuyến đường thuộc các phường của quận Hoàng Mai như: Thanh Trì, Tương Mai, Định Công, Lĩnh Nam, Thịnh Liệt…, người dân đều thấy những luống hoa trải dài rất đẹp thay thế cho bãi rác gây ô nhiễm môi trường trước đây. Đó là kết quả của phong trào “Phụ nữ quận Hoàng Mai với ngày môi trường chủ nhật”. Dù mới triển khai được 2 năm nhưng phong trào đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn quận.

Bà Trần Thị Ngọc Dung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu dân cư Xép (phường Thanh Trì) chia sẻ: “Bên cạnh việc trồng, chăm sóc hoa vào sáng chủ nhật, chị em phụ nữ chúng tôi còn vận động người dân cùng tham gia quét dọn khu vực công cộng, đổ rác đúng nơi quy định…”.

Tương tự, huyện Đan Phượng đã thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu “đường có hoa, nhà có số”. Chỉ qua một năm triển khai, Đan Phượng đã hoàn thành việc gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công cộng tại 16 xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, huyện xây dựng được 25km đường có hoa và gần 2km đường bích họa tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.

Cùng với đó, nhiều địa phương khác cũng có những mô hình thiết thực như “Nuôi thủy sản tập trung” tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, “Xã hội hóa đèn chiếu sáng đường giao thông nông thôn” tại huyện Sóc Sơn; “Cơ quan xanh - sạch - đẹp” ở quận Long Biên; “Trồng hoa hồng thế” tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh…

Điều quan trọng là các mô hình, phong trào thi đua đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, từ đó, mỗi người dân tùy theo điều kiện của mình chủ động có những hành động đẹp, những việc làm tốt. Tiêu biểu như bà Trần Thị Oanh ở tổ dân phố số 2, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai thường xuyên nấu cháo, phát quà, động viên các bệnh nhân nghèo khoa chạy thận nhân tạo tại các bệnh viện, đồng thời chu cấp cho 2 hộ nghèo tại khu dân cư bà sinh sống mỗi tháng 10kg gạo.

Đó là bà Nguyễn Thị Nhung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ được người dân gọi là “người phụ nữ của phong trào xây dựng nông thôn mới” vì 8 năm qua, bà đã vận động gia đình ủng hộ thôn Thanh Trì làm các công trình xây dựng với số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng.

Đó là thầy giáo Nguyễn Đức Trường, Trường THCS Đa Tốn, huyện Gia Lâm, dù chịu tàn tật nhưng bằng nghị lực và lòng yêu nghề, thầy đã xây dựng phương pháp giảng dạy ngắn gọn, linh hoạt, tạo cảm hứng cho học sinh, giúp nhiều em đoạt giải cấp quốc gia, cấp thành phố.

Đó là ông Nguyễn Phạm Loạn, Giám đốc HTX dịch vụ xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, luôn đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giải phóng sức lao động của người dân…

Nói về hiệu quả của các mô hình thi đua của Cụm thi đua số 5 TP Hà Nội (gồm các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì, Mê Linh), Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết: “Các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các đơn vị trong cụm thi đua. 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với sự cố gắng, nỗ lực, tích cực thi đua của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn các huyện thuộc cụm thi đua, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng trung bình 9,3% so với cùng kỳ năm trước”.

Theo Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng, tinh thần đổi mới, sáng tạo là yếu tố quan trọng thôi thúc các tập thể, cá nhân tích cực thực hiện các phong trào thi đua tại các địa phương, đơn vị. Thực tế đã chứng tỏ điều này khi ngày càng nhiều gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được phát hiện và kịp thời khen thưởng.

Hiền Thu