Cần hiểu cho đúng

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:06, 24/06/2018

(HNM) - Những thành tựu do công nghệ thông tin mang lại trong hai thập kỷ qua đã tạo ra nhiều lợi ích nhưng cũng mang lại những thách thức to lớn đối với các quốc gia trên thế giới. Sự phát triển của mạng xã hội (sắp tới là những công nghệ mới do ứng dụng thành tựu của trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật…) góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, song cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động chuyển hóa chính trị, khủng bố ở nhiều nơi. Vì thế, các quốc gia đang khẩn trương tiến hành các hoạt động nâng cao năng lực, tiềm lực quốc gia về an ninh mạng. Chỉ trong 6 năm gần đây, đã có 23 quốc gia ban hành trên 40 văn bản luật về an ninh mạng cho thấy điều đó.


Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ phát triển internet nhanh nhất, đồng thời luôn nằm trong danh sách các quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới. Tội phạm mạng phát triển nhanh. Cùng với đó, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm các chuẩn mực xã hội cũng gia tăng. Nghiêm trọng nhất là việc những phần tử cơ hội chính trị, bất mãn và phản động đã lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi kích động gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Vụ việc tụ tập gây rối tại Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh… trong các ngày 10 và 11-6-2018, thông qua những “lời kêu gọi” phát tán qua mạng xã hội là rõ ràng nhất. Vì thế việc Việt Nam xây dựng một hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi trên không gian mạng là cần thiết, phù hợp xu thế phát triển của thế giới cũng như điều kiện của Việt Nam.

Vấn đề là khi dự thảo Luật An ninh mạng được đưa ra lấy ý kiến chuyên gia, nhân dân, sau đó là thảo luận công khai, được thông qua tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV vừa qua thì có nhiều thông tin hiểu sai, hoặc cố tình xuyên tạc về vấn đề này. Đó là: Cấm Facebook, Google… ở Việt Nam để dùng mạng riêng giống Trung Quốc; Luật An ninh mạng của Việt Nam yêu cầu “cung cấp toàn bộ thông tin người dùng cho Nhà nước, kể cả tin nhắn cá nhân, riêng tư… Đó là: Luật An ninh mạng vi phạm nhân quyền và không quốc gia nào có luật này; chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mới yêu cầu phải đặt máy chủ lưu trữ dữ liệu người dùng trong nước; các công ty sẽ không cung cấp thông tin cho Việt Nam vì luật này…

Đến nay, các cơ quan thực thi pháp luật và nhiều chuyên gia công nghệ thông tin đã lên tiếng khẳng định, những “đồn thổi” nêu trên là hoàn toàn không có cơ sở, thậm chí đằng sau đó còn là những hành động gây chia rẽ dư luận. Thực tế, các quy định của luật này không vi phạm quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp hiện hành, không hạn chế quyền kinh doanh của các doanh nghiệp mà nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Đồng thời, Luật An ninh mạng đã bổ sung cơ sở pháp lý cần thiết bảo đảm cho các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động xâm phạm trật tự xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, trước một vấn đề rất mới mẻ, có nhiều bước phát triển nằm ngoài tất cả các “kịch bản phát triển” nên việc thận trọng, vừa làm vừa tiếp thu thành tựu của thế giới là rất cần thiết. Ngoài ra, việc giám sát của người dân trong quá trình thực thi luật cũng cần được bảo đảm.

Đặc biệt, muốn thực thi đúng những điều được quy định thì việc cần làm trước hết là mỗi công dân phải hiểu cho đúng tinh thần của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019). Muốn vậy, các cơ quan thực thi pháp luật, truyền thông báo chí cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần để luật thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống.

Đỗ Quỳnh Chi