Làng Trung Kính Thượng
Xã hội - Ngày đăng : 12:23, 13/04/2005
(HNMĐT) - Làng Trung Kính Thượng vốn là bộ phận gốc của làng Trung Kính. Xa xưa, làng Trung Kính có tên là Kính Chủ, không rõ từ bao giờ được đổi tên thành Trung Kính. Theo thần phả và truyền thuyết, cuối đời Hùng Vương, làng Kính Chủ đã chia làm hai làng Thượng và Hạ (làng Giàn). Thời phong kiến, cả hai làng nằm trong một đơn vị hànhchính là xã Trung Kính thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức.
Năm 1942 thuộc Đại lý Đặc biệt Hà Nội. Năm 1949, hai làng nhập với làng Hòa Mục thành xã Trung Kính thuộc quận VI ngoại thành Hà Nội. Năm 1955 xã Trung Kính đổi thành xã Trung Hòa thuộc quận V, năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm. Đến năm 1997 xã Trung Kính trở thành phường thuộc quận Cầu Giấy.
Trung Kính là một làng cổ. Theo thần phả và truyền thuyết, vào đời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18), có người dòng dõi vua là Hùng Nộn làm chủ trưởng Ô Châu. Do trong nước có giặc phía Tây xâm lấn, ông được lệnh vua đã đem quân đến đóng ở Kính Chủ để phòng bị. Trong trang Kính Chủ khi ấy có người con gái là Nguyễn Thị Cẩn (Cẩn Nương), đẹp người, đẹp nết, được ông cưới làm vợ. Về sau, khi có giặc phương Bắc xâm lấn, Hùng Nộn cùng Cẩn Nương được lệnh vua ra trận; 142 trai tráng của trang Kính Chủ xin đi theo. Chỉ một trận, đoàn quân của Hùng Nộn đã phá tan giặc. Trở về, Hùng Nộn được Hùng Duệ Vương phong làm Bảo Quốc hầu, cho lập dinh ở Kính Chủ và dân trang được coi là “Hộ nhi hương” của Vua. Sau đó, Hùng Nộn lại đánh giặc lập công, được phong Bảo Quốc công, được lập dinh cơ ở giữa cánh đồng. Được một thời gian, đến ngày 12 tháng Mười, Hùng Nộn đột ngột từ trần. Bà Cẩn Nương mai táng chồng xong rồiđi tu ở chùa làng.
Cũng như làng Hạ, dân làng Trung Kính Thượng xưa kia chủ yếu làm ruộng, nhưng ruộng ở đây không nhiều bằng làng Hạ. Dân làng còn có nghề làm hương đen, hương sạ và hương vòng, nên có thu nhập ổn định, có nhà thờ tổ nghề chung với làng Hạ.
Ngoài đình thờ thành hoàng, trước đây làng Trung Kính Thượng còn có ngôi miếu ở ngay gần cầu bắc qua sông Tô Lịch. Miếu này liên quan đến vị Hoàng giáp khoa ất Mùi niên hiệu Quang Hưng (1595) Nguyễn Nhật Tráng. Ông người làng Cót (Hạ Yên Quyết), làm quan đến chức Đô Cấp sự trung. Theo chính sử, năm Canh Tý, niên hiệu Thận Đức (1600), khi Phan Ngạn và Bùi Văn Khuê làm phản, Vua Lê Kính Tông phải quay về Thanh Hoá, Nguyễn Nhật Tráng xin về quê chăm sóc cha mẹ. Vì bị coi là trái lệnh vua, không theo xa giá nên ông bị giết. Sau vua nghĩ lại, thấy Nguyễn Nhật Tráng bị giết oan, lấy làm thương tiếc, truy phong là Tá lý công thần. Còn theo gia phả và lưu truyền dân gian thì ông bị giết vì một lần, ông dâng sớ xin về thăm mẹ ốm. Trong triều có kẻ ghen ghét ông nên được dịp tâu rằng, ông tự tiện bỏ về nhà.
Vua nổi giận, ra lệnh cho một tốp lính đuổi theo để bắt. Khi Nguyễn Nhật Tráng về đến bờ sông Tô Lịch, giáp cánh đồng làng Trung Kính Thượng, thấy toán lính chạy lại với tấm biển "Tiền trảm hậu tấu", biết chuyện không lành, bèn rút gươm tự vẫn. Lát sau, lại có viên tướng phi ngựa đến truyền lệnh của vua không được chém ông vì đã tìm thấy tờ sớ xin phép nghỉ của ông thì đã muộn! Vua Lê thấy ông bị oan bèn xuống chiếu minh oan, truy phong làm Đại vương, Thượng đẳng phúc thần và cho phép làng Trung Kính lập miếu thờ ngay tại nơi ông hoá. Miếu đó gọi là Miếu Trắng, Trước đây, hàng năm, vào ngày giỗ của ông (mồng bảy tháng Năm), con cháu ở Nghĩa Đô đến Trung Kính rước bài vị của ông về để tế, xong lại rước trả về Trung Kính. Gần đây do đào sông Tô Lịch nên bị phá.
Cũng như ở làng Giàn, làng Thượng xưa có tục nuôi lợn thờ khá cầu kỳ. Mỗi năm mỗi giáp phải cử một người nuôi một con lợn đực đen tuyền, nặng đến 60 - 70 cân để tế thần vào ngày mồng hai tháng Chín là ngày thần khao quân.
Làng Thượng ngày nay đã chuyển thành phố phường, nhưng nhiều nét cổ kính của làng qưê vẫn được bảo lưu.
T.S Bùi Xuân Đính