Tìm lại tinh hoa gốm cổ

Xã hội - Ngày đăng : 11:58, 13/04/2005

(HNMĐT) - Sinh ra và lớn lên ở làng gốm, tổ tiên 18 đời đã bắt đầu làm nghề, gốm dường như đã ăn vào máu của nghệ nhân Nguyễn Lợi. Truyền thống và niềm say mê đã tạo nên nét riêng cho gốm Nguyễn Lợi, đặc biệt là các sản phẩm gốm cổ phục chế.

Gốm men nâu cổ đời Trần do nghệ nhân Nguyễn Lợi phục chế. Ảnh: Thủy Chung

(HNMĐT) - Sinh ra và lớn lên ở làng gốm, có 18 làm nghề liên tục, gốm dường như đã ăn vào máu của nghệ nhân Nguyễn Lợi. Truyền thống và niềm say mê đã tạo nên nét riêng cho gốm Nguyễn Lợi, đặc biệt là các sản phẩm gốm cổ phục chế.

Từ khi bắt tay vào phục chế men cổ, Nguyễn Lợi đã thành công với nhiều loại men quý hiếm đã thất truyền từ lâu. Loại men đầu tiên anh phục chế thành công là men rạn- thứ men độc đáo của làng gốm Bát Tràng. Khôi phục lại những loại men gốm quý từ đời xưa dường như là niềm say mê riêng của Nguyễn Lợi. Anh đã không tiếc công sức học hỏi tham khảo sách vở, tài liệu về nghệ thuật gốm cổ. Thời gian công tác ở Bảo tàng nghệ thuật Việt Nam đã cho anh cơ hội tiếp xúc với nhiều nhà chuyên môn, đặc biệt là trực tiếp làm việc với những cổ vật quý. Nhờ đó anh dần tích luỹ kiến thức chuyên môn cũng như tư duy thẩm mỹ - nền tảng để anh xây dựng thương hiệu gốm cho riêng mình sau này. " Muốn phục chế men cổ, người nghệ nhân phải đặc biệt chú ý đến yếu tố "lửa" (nhiệt độ lò nung). Trong nghề gốm, lửa nung là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành bại của sản phẩm. Riêng trong việc phục chế men cổ, hoá chất cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra màu men". 

Tại xưởng gốm riêng của gia đình ở Hà Nội, năm 1986, lần đầu tiên Nguyễn Lợi tìm ra loại men màu lục từ đời nhà Lý, cách đây gần 9 thế kỷ. Đây cũng là loại men cổ nhất cho đến nay mà anh đã phục chế thành công. "Tiếng lành đồn xa", những người buôn đồ cổ khi đó đã tìm đến Nguyễn Lợi đặt hàng. Vào thời điểm đó, có không ít người chơi đồ cổ ở Hà Nội muốn có những loại gốm cổ trong bộ sưu tập của mình nhưng họ không thể mua được đồ cổ thật vì giá quá cao. Vì vậy họ lựa chọn sưu tầm đồ giả cổ. Giới buôn đồ cổ khi đó đánh giá rất cao những loại men cổ do Nguyễn Lợi phục chế. Nhờ việc làm đồ giả cổ mà gia đình anh vượt qua được những năm tháng kinh tế khó khăn thời bao cấp.

Sau loại men lục của đời nhà Lý, Nguyễn Lợi đã tiếp tục thành công với một loại men quý khác, loại men nâu từ thời nhà Trần. Đời Trần thế kỷ 14 là giai đoạn hưng thịnh nhất của gốm Việt Nam. Những nghệ nhân tài hoa thời Trần đã tạo ra những loại men bền đẹp, có tính nghệ thuật cao, trong đó có men nâu.

Nguyễn Lợi đến với nghiệp gốm từ rất sớm. 12 tuổi, cậu bé Lợi đã đi theo giúp mẹ và anh làm việc trong xưởng gốm của HTX Bát Tràng. 15 tuổi - cái tuổi ăn tuổi chơi, anh đã có thể tự đứng bàn xoay làm các sản phẩm gốm của riêng mình. 18 tuổi, Nguyễn Lợi tưởng chừng đã xa rời gốm khi vào học ở trường cơ khí Thăng Long. Hai năm sau, năm 1979, anh lên đường đi nghĩa vụ quân sự trong chiến tranh biên giới. Những tháng ngày gian khổ đó hoá ra lại vun đắp thêm tình yêu gốm trong tâm hồn người con làng Bát Tràng. Xuất ngũ về quê, anh vào làm trong xí nghiệp gốm của xã. Dịp may hiếm có đã đến với anh khi các cán bộ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có giáo sư, hoạ sỹ Nguyễn Văn Y, về làng giúp khôi phục nghề truyền thống. Những gia đình nhiều đời làm nghề như gia đình Nguyễn Lợi được đặt hàng sản xuất các sản phẩm gốm giả cổ phục vụ các cuộc trưng bày, triển lãm văn hoá, nghệ thuật gốm của Bảo tàng. Đó là mối nhân duyên đưa Nguyễn Lợi đến với việc tìm tòi phục chế các loại gốm cổ.

Nghề gốm cũng đã xe duyên Nguyễn Lợi với người bạn đời, chị Phạm Minh Châu, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp, chuyên ngành gốm sứ. Sự kết hợp giữa kiến thức chuyên ngành của chị và kinh nghiệm truyền thống của anh trở thành thuận lợi lớn cho việc nghiên cứu phục chế gốm cổ của nghệ nhân Nguyễn Lợi sau này.

Sau khi khôi phục, điều làm Nguyễn Lợi băn khoăn là làm sao để những loại men quý và những sản phẩm gốm của mình được thị trường biết đến và sử dụng. Năm 1994, gia đình anh quyết định mua 180m2 đất ở làng Bát Tràng để mở xưởng gốm. Thời gian đầu, sản phẩm gốm của anh gần như không có đầu ra. Đã có lúc anh nản chí muốn từ bỏ nghề. Nhưng cũng chính gốm cổ đã mở ra cho anh cơ hội mới. Năm 1995, một khách hàng Nhật Bản tìm về làng Bát Tràng hỏi thăm người đã làm ra chiếc bát gốm tinh xảo mà bà ta mua ở Bảo tàng nghệ thuật Việt Nam nhiều năm trước. Đó chính là sản phẩm từ bàn tay của Nguyễn Lợi. Nhờ đó, xưởng gốm Nguyễn Lợi đã có đơn đặt hàng đầu tiên: 7.000 sản phẩm bát, đĩa, tô... xuất sang thị trường Nhật Bản. Từ khách hàng đầu tiên ấy, giờ đây gốm Nguyễn Lợi đã có mặt ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... và dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Nhiều đơn đặt hàng anh có được chính là nhờ sự giới thiệu của những khách hàng quen đã từng dùng gốm của anh. Để tiếp cận hơn nữa với thị trường nước ngoài, Nguyễn Lợi nhanh chóng nắm bắt cách làm mới: kết hợp màu men, hoa văn của mình với thiết kế có sẵn của khách hàng. Sản phẩm gốm làm ra vừa mang dấu ấn cá nhân của người thợ, vừa phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Hiện nay, hai vợ chồng Nguyễn Lợi đang làm chủ một xưởng gốm với 35 nhân công. Năm 2003, tin vui đến với anh: Người con làng gốm được nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân. Một năm sau, vợ anh, chị Phạm Minh Châu cũng vinh dự nhận được danh hiệu cao quý này. Gia đình anh trở thành gia đình duy nhất ở Bát Tràng mà cả hai vợ chồng đều là Nghệ nhân. Đây là sự ghi nhận xứng đáng dành cho những con người tâm huyết với nghề truyền thống và có cống hiến trong việc gìn giữ giá trị văn hoá cổ truyền.

Quỳnh Đỗ, Thuỷ Chung

TRONGQUANG