Vinh danh 28 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Văn hóa - Ngày đăng : 21:56, 25/06/2018
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương Nguyễn Thế Kỷ tới dự.
Các đồng chí lãnh đạo tặng thưởng cho các tác giả đạt mức B. |
Đây là lần thứ tư Hội đồng thực hiện xét tặng thưởng theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhằm khẳng định, cổ vũ những tác phẩm lý luận, phê bình phục vụ trực tiếp cho định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực VHNT; động viên, thúc đẩy và phát huy tiềm năng của đội ngũ lý luận, phê bình VHNT có các tác phẩm tốt phục vụ hiệu quả sự chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực quan trọng và tinh tế này.
Nhận xét về các tác phẩm được tặng thưởng lần này, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nhấn mạnh, nhiều tác phẩm có giá trị khoa học, đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn, có tác dụng tích cực, kịp thời trước những vấn đề xã hội quan tâm, có tính thời sự trong đời sống VHNT, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước.
Từ 96 tác phẩm, trong đó có 36 cuốn sách, 57 bài viết và 3 chương trình phát thanh do các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành, cơ quan báo chí văn nghệ, các nhà xuất bản cả nước đề nghị, Hội đồng đã trao tặng thưởng cho 28 tác phẩm xuất sắc, gồm: 10 tác phẩm mức B, 13 tác phẩm mức C, 5 tác phẩm mức Khuyến khích.
Trong 10 tác phẩm tặng thưởng mức B, có 1 chương trình phát thanh: “Nhận diện vai trò âm nhạc cách mạng trong giai đoạn hiện nay” (Phạm Xuân Kỳ, Tạ Mai Anh), 1 bài viết: “Sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng” (Bùi Việt Thắng) và 8 cuốn sách: “Theo dòng chảy thơ Việt Nam hiện đại” (Anh Chi), “Văn hóa và con người Việt Nam hiện nay - Mấy suy nghĩ từ thực tiễn” (GS.TS Đinh Xuân Dũng), “Luận chiến văn chương: Quyển bốn” (Chu Giang), “Cơ sở lý luận sân khấu học: Tập 1, 2” (PGS.TS Phạm Duy Khuê), “Về văn hóa, văn chương Việt” (GS Phong Lê), “Văn học Việt Nam, Dấu ấn - Giao lưu - Tác động” (Tôn Thảo Miên), “Cơ sở văn hóa của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam” (Trần Trí Trắc), “Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số” (PGS.TS Trần Thị Việt Trung).
Ngoài ra, 9 cơ quan, đơn vị, gồm: Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Nhà Xuất bản Văn học, Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân dân, Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Văn học - Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Báo Văn nghệ cũng được tặng thưởng vì công bố nhiều tác phẩm có đóng góp cho sự phát triển VHNT.
* Chiều cùng ngày, Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức kỳ họp thứ tư, nhiệm kỳ 2016-2021, nhằm thảo luận những hoạt động của Hội đồng giữa hai kỳ họp và cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm dự kiến triển khai từ nay đến hết năm 2018. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; Tiến sĩ Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng chủ trì.
Từ kỳ họp thứ ba đến kỳ họp thứ tư, Hội đồng đã thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ chuyên môn, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống. Đáng chú ý là việc tổ chức thành công tọa đàm khoa học “Góp ý chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn”; hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” tại TP Hồ Chí Minh; xét tặng thưởng và hỗ trợ các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT; đóng góp vào việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 16-6-2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới; triển khai Đề án Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam; tư vấn giúp Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương xử lý một số sự việc nảy sinh trong đời sống VHNT…
Từ nay đến cuối năm, Hội đồng tập trung bám sát, nắm bắt thực tiễn để kịp thời tư vấn cho Đảng và Nhà nước những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT; tổ chức mỗi tiểu ban ít nhất một tọa đàm khoa học; tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc về lý luận, phê bình VHNT; tập huấn đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình VHNT; bồi dưỡng các cây bút trẻ; chủ động đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực; xây dựng đề cương sơ bộ Chương trình tổng kết thực tiễn VHNT Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Chương trình dịch thuật quốc gia; nâng cao chất lượng tạp chí của Hội đồng…
Những vấn đề được các thành viên thảo luận sôi nổi tại kỳ họp là nâng cao tính thực tiễn của hoạt động lý luận, phê bình VHNT; định hướng cho việc sáng tác văn học lịch sử; mở lớp bồi dưỡng lực lượng trẻ kế cận…