Xây hồ ngầm xóa “điểm đen” úng ngập
Đời sống - Ngày đăng : 07:04, 25/06/2018
Trạm bơm Yên Nghĩa sau khi hoàn thành sẽ tiêu úng cho phía Tây Nam TP Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Còn 15 “điểm đen”
Thông tin về tình hình thoát nước mùa mưa, các dự án thoát nước, phòng chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mùa mưa năm 2018 các tuyến phố chính vẫn tồn tại 15 điểm úng ngập với cường độ mưa trong khoảng 50-100mm/2 giờ.
Ngoài ra, các điểm ngập cục bộ tồn tại do mới tiếp nhận bàn giao các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành, các tuyến quốc lộ: 1A, 70, 32, 21B… trên đường gom đại lộ Thăng Long (đoạn ngã ba Thiên Đường Bảo Sơn) và tại một số vị trí hầm chui dân sinh… sẽ gây khó khăn cho đời sống dân sinh và hoạt động giao thông.
Theo ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, tốc độ phát triển các khu đô thị rất nhanh, nhưng kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân gây nên những điểm úng ngập cục bộ mỗi khi mưa lớn.
Hiện nay, các khu đô thị trong nội thành đã hoàn chỉnh việc kết nối ra hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước xung quanh, nhưng vẫn có một số khu đô thị việc tiêu thoát nước phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi, điều tiết tưới tiêu nên bị úng ngập do hệ thống máy bơm đẩy nước ra chưa đáp ứng tốt.
Trong đó phải kể đến khu vực Tây Nam thành phố, việc tiêu thoát nước hoàn toàn phụ thuộc vào sông Nhuệ tự chảy. Do đó, phải chờ đến khi trạm bơm Yên Nghĩa hoàn thành vào tháng 8 tới thì tình hình mới được cải thiện.
Trên địa bàn thành phố còn 15 điểm úng ngập tồn tại từ lâu, trong năm nay giải quyết được 3 điểm: Bến xe phía Nam, Nguyễn Chính, Phan Văn Trường. Hiện, còn 12 điểm úng ngập cố hữu và sau khi các dự án hoàn thành sẽ xóa được 8 điểm, còn 4 điểm tại vị trí các điểm trũng, thấp…
Đề xuất đào hồ ngầm nhân tạo
Đề cập đến giải pháp xóa “điểm đen” tồn tại từ lâu, theo ông Võ Tiến Hùng, Công ty Thoát nước Hà Nội đang đề xuất phương án xây dựng hồ điều hòa điều tiết chứa nước thải chống úng ngập. Cụ thể, tại các điểm úng ngập tồn tại từ lâu, công ty nghiên cứu giải quyết bằng đào hồ ngầm nhân tạo, khi mưa đưa nước vào các bể chứa nhân tạo điều tiết thải nước bằng bơm tự động, sau đó lượng nước này sẽ dùng tưới cây hoặc cứu hỏa.
Dự án "Công nghệ hồ điều tiết ngầm" do đối tác Nhật Bản giới thiệu cho Hà Nội và hiện nay công nghệ này đang được thực hiện thành công tại Nhật Bản. TP Hồ Chí Minh cũng đã thử nghiệm và phát huy hiệu quả.
Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó phòng Đối ngoại truyền thông Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, xuất phát từ thực tế trên địa bàn còn một số khu vực do địa hình trũng, trở thành các điểm tụ thủy làm nước mưa dồn về nhanh khi mưa to gây quá tải hệ thống cống thoát nước hiện có, tạo thành các điểm úng ngập cục bộ. Để giảm tải cho hệ thống cống, điều tiết nước mưa tại chỗ, hạn chế úng ngập trong điều kiện khu vực không thể xây dựng được hồ điều hòa lộ thiên, công ty đã khảo sát, nghiên cứu, đề xuất áp dụng việc xây dựng, lắp đặt hồ chứa nước ngầm bằng công nghệ Cross wave của Nhật Bản.
Hiện nay, công ty đã nghiên cứu đề xuất thành phố cho phép xây dựng, lắp đặt hồ ngầm tại khu vực trước chợ Hàng Da trên phố Đường Thành để giải quyết úng ngập cho khu vực ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa và khu vực xung quanh chợ Hàng Da. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là công trình đầu tiên của công nghệ mới này được áp dụng tại Hà Nội.
Hồ chứa ngầm theo công nghệ Cross wave được xây dựng trên các diện tích tận dụng tại các mặt đường giao thông, khoảng đất trống, sân chơi, sân bóng, vườn hoa công cộng… nên không phải giải phóng mặt bằng. Sau khi thi công xong, các mặt bằng này sẽ được hoàn trả nguyên trạng để tiếp tục phục vụ các mục đích sử dụng như ban đầu.
Tuy chưa xây dựng công trình nào theo công nghệ hồ ngầm Cross wave tại Hà Nội, nhưng theo đánh giá của công ty, việc áp dụng công nghệ hồ ngầm trong việc điều tiết nước mưa, chống úng ngập cho một số điểm úng ngập cục bộ như ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Nguyễn Khuyến… là khả thi, góp phần giải quyết úng ngập khi mưa tại các khu vực này.
Theo các chuyên gia, giải pháp khả thi nêu trên cho việc xóa các “điểm đen” tồn tại đã lâu về úng ngập, đặc biệt tại những nơi có diện tích chật hẹp, hệ số thấm của bề mặt bằng không, còn có tác dụng tích trữ nước mưa, có thể tái sử dụng khi cần.