Hoàn thiện thể chế, đẩy lùi tham nhũng

Chính trị - Ngày đăng : 06:34, 25/06/2018

(HNM) - Thời gian qua, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội, phòng, chống tham nhũng được chú trọng, nhằm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ngay từ khóa X, tại Nghị quyết số 04-NQ/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đảng xác định “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”.

Qua các nhiệm kỳ khóa XI, XII, Đảng tiếp tục nhận diện rõ hơn, cụ thể hơn hành vi tham nhũng, những ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao phạm tội tham nhũng; đồng thời xác định tham nhũng đã trở thành “một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.

Trong đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị; kiên quyết phòng, chống tham nhũng với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng...

Nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), trong đó chỉ rõ: "Các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành, bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp"; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "sân sau" trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước...".

Cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết, tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống tham nhũng, tại kỳ họp thứ tư và thứ năm, Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như quy định công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị; chế độ họp báo, phát ngôn; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; báo cáo, công khai báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng; tặng quà và nhận quà tặng; thanh toán qua tài khoản...

Cùng với đó, để ngăn chặn mầm mống, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 85-QĐ/TƯ ngày 23-5-2017 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định số 86-QĐ/TƯ ngày 1-6-2017 về giám sát trong Đảng được ban hành, mở rộng nội dung giám sát đối với tổ chức Đảng, như giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; việc tuyển dụng, tiếp nhận, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ... Quy định 102-QĐ/TƯ ngày 15-11-2017 về xử lý kỷ luật đảng viên, đề cập chi tiết, cụ thể về hình thức kỷ luật đối với vi phạm của đảng viên.

Có thể thấy, thể chế về phòng, chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện, qua đó tạo nền tảng vững chắc, căn cứ pháp lý đầy đủ để thực hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

TTXVN