Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:06, 26/06/2018

(HNM) - Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày là một trong những nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân. Thế nhưng, hiện nay nhiều người dân ở khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt...


Xác định nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thời gian qua TP Hà Nội đã đầu tư nhiều công trình, dự án cấp nước sạch cho khu vực này. Song, tính đến hết tháng 5-2018 mới có 2.237.008 người - tương đương 52% số dân sống ở nông thôn Hà Nội - được tiếp cận nguồn nước sạch. Con số này còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế về nước sạch của người dân khu vực ngoại thành Hà Nội hiện nay.

Vậy, vì sao lại xảy ra tình trạng trên?

Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do, ngoài nguồn vốn từ ngân sách của thành phố, vốn hỗ trợ xây dựng trạm cấp nước, thì ngân sách của huyện, xã hay vốn do người dân đóng góp thường không cân đối đủ, nên nhiều dự án bị đầu tư dở dang. Việc xác định quy mô đầu tư dự án cũng chưa phù hợp khiến nhiều trạm cấp nước có quy mô công suất còn thấp, không hấp dẫn doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư. Các mô hình quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch tập trung còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, như: Trình độ nhân công quản lý, vận hành thiếu chuyên môn, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố nghèo nàn, lạc hậu. Giá tiêu thụ nước chưa được tính đúng, tính đủ do thu không đủ chi, dẫn đến thiếu kinh phí phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng; các công trình bị xuống cấp nhanh, chất lượng nước không bảo đảm cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch nông thôn...

Nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn, ngày 11-6-2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Theo đó, UBND thành phố sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án phát triển mạng lưới cấp nước cho các xã chưa có hệ thống nước sạch. Mục tiêu trong năm 2018, 100% các xã đều có nhà đầu tư nghiên cứu triển khai dự án cấp nước sạch.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 là 100% người dân trên địa bàn TP Hà Nội được tiếp cận nước sạch đạt tiêu chuẩn và xóa vùng "trắng" nước sạch ở khu vực nông thôn, thì đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Trong đó, thành phố cần tiếp tục phát triển mạng lưới cung cấp nước để lấy nguồn nước sạch từ các nhà cung cấp hiện nay; nơi nào không thể kéo được đường dẫn nước thì phải phát triển cụm để thuận tiện cho việc cung cấp nước sạch; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Đối với các công ty kinh doanh nước sạch, cần rà soát thực trạng các nhà máy nước, các trạm cấp nước để xây dựng kế hoạch, lộ trình điều chỉnh, bổ sung công nghệ xử lý nước hiện đại. Triển khai xúc xả, thay thế đường ống đã xuống cấp để bảo đảm chất lượng nước cấp đạt tiêu chuẩn uống được ngay tại vòi; hoàn thiện đấu nối cấp nước bổ sung cho các hộ dân có nhu cầu trong khu vực các dự án đã đầu tư xây dựng mạng cấp nước. Cùng với đó, việc tuyên truyền để mọi người dân sử dụng đúng, tiết kiệm, tránh lãng phí nước sạch là hết sức quan trọng.

Việc cung cấp đủ nước sạch sinh hoạt là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng sống cho người dân. Với sự quan tâm của thành phố, sự nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền các địa phương và hưởng ứng tích cực của người sử dụng, hy vọng các dự án mở rộng mạng lưới cấp nước sạch về nông thôn sẽ sớm đưa vào sử dụng, giúp người dân khu vực ngoại thành Hà Nội giải tỏa "cơn khát" nước sạch.

Đình Hiệp