Nhiều thuận lợi, bớt áp lực cho thí sinh
Giáo dục - Ngày đăng : 06:27, 26/06/2018
Việc tiếp tục giao quyền chủ trì tổ chức kỳ thi cho các địa phương đã tạo thêm nhiều thuận lợi và giảm bớt áp lực cho thí sinh khi không phải di chuyển sang địa phương khác dự thi. Siết chặt khâu coi thi, tăng cường giám sát việc tuân thủ quy chế thi là yêu cầu được quán triệt tới 123 điểm thi tại Hà Nội.
Tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh
Trước giờ thi môn ngữ văn, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu đã tới điểm thi THPT Yên Viên (Gia Lâm) để động viên thí sinh. Cùng đi có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao công tác chuẩn bị, trong đó có việc bảo đảm an ninh trật tự tại điểm thi THPT Yên Viên và yêu cầu các thành viên của điểm thi thực hiện nghiêm túc quy chế; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra các hành vi gian lận và không để lọt đề thi. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, kỳ thi năm nay được tổ chức gọn nhẹ, không gây nhiều áp lực cho xã hội và ngày càng tạo thuận lợi cho thí sinh.
Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại điểm thi Trường THPT Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ảnh: Viết Thành |
Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các tổ chức, đoàn thể dành sự quan tâm thiết thực, tạo nhiều thuận lợi nhất cho thí sinh. Tất cả thí sinh không phải đóng bất cứ một khoản phí nào. Tại mỗi điểm thi đều có nhân viên y tế, điện lực ứng trực, sẵn sàng giải quyết khi có sự cố. Với vai trò phối hợp, ngoài việc tham gia tổ chức kỳ thi như coi thi, giám sát, chấm thi..., các trường đại học, cao đẳng đã cử hàng nghìn sinh viên tình nguyện hỗ trợ trực tiếp thí sinh tại các điểm thi. Hình ảnh bắt gặp nhiều nhất ở các điểm thi là sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của tất cả lực lượng xã hội cho thí sinh nhằm tạo cho các em tâm thế thoải mái, tự tin để đạt kết quả cao nhất.
Sinh viên Tô Đức Thiện (Đội trưởng Đội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết: Điểm thi của trường dành riêng cho thí sinh tự do, khá nhiều thí sinh dự thi xa nhà tới 40-50km nên phải ở trọ gần điểm thi. Nhà trường đã huy động gần 500 sinh viên hỗ trợ thí sinh và người thân tìm nơi ở trọ an toàn, giá rẻ, dành nhiều suất trọ miễn phí tại ký túc xá và hỗ trợ đưa đón, dẫn đường... Không chỉ hỗ trợ thí sinh dự thi tại trường, đội sinh viên tình nguyện của trường còn hỗ trợ thí sinh ở các điểm thi tại khu vực huyện Hoài Đức, Quốc Oai...
Tăng cường giám sát khâu coi thi
Sau sự cố lọt đề tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và sự xuất hiện tình trạng mua, bán thiết bị điện tử nhằm mục đích gian lận trong thi cử, Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thành phố đã yêu cầu các điểm thi tăng cường giám sát việc tuân thủ quy chế thi của cả thí sinh và cán bộ coi thi. Bà Lê Thị Hồng, Trưởng điểm thi Trường THPT Marie Curie (quận Bắc Từ Liêm) nhận định: Việc bổ sung nội dung tập huấn về cách nhận biết, phòng ngừa thiết bị điện tử đã giúp đội ngũ cán bộ coi thi tự tin hơn khi thực thi nhiệm vụ. Mặc dù việc nhận diện các thiết bị siêu nhỏ bằng mắt thường không phải lúc nào cũng chính xác, song nhờ được trang bị về kiến thức, kỹ năng nhận diện nên các thầy, cô đã bớt phần lo lắng và không chủ quan, lơ là khi coi thi.
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “Việc tham gia phối hợp với TP Hà Nội để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được nhà trường xác định là trách nhiệm chính của đơn vị. Mỗi thành viên nhà trường luôn xác định sự nỗ lực, nghiêm túc, trách nhiệm trong việc tuân thủ quy chế là nhằm tạo môi trường công bằng, khách quan để thí sinh phát huy tối đa khả năng, giúp kết quả thi phản ánh đúng thực chất, làm căn cứ để các trường yên tâm sử dụng kết quả trong xét tuyển. Đây cũng là giải pháp gốc để các trường đại học, cao đẳng nâng chất lượng “đầu vào”.
Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề thi hai môn có phần khó hơn các năm trước khi gồm cả kiến thức lớp 11 chứ không chỉ của riêng lớp 12. Em Nguyễn Lan Anh (điểm thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) cho biết, khá hứng thú với đề ngữ văn bởi không yêu cầu học thuộc lòng mà đòi hỏi phải đọc hiểu, từ đó vận dụng kiến thức, liên hệ thực tế để trình bày suy nghĩ về trách nhiệm cá nhân với việc “đánh thức tiềm lực đất nước”. Còn theo nhận định của cô giáo Phạm Thị Thu Phương (Trường THPT Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy), đề bài đòi hỏi thí sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn phải thực sự hiểu ý nghĩa của mỗi tác phẩm, đặc điểm phong cách nghệ thuật của mỗi tác giả và cả yếu tố thời đại chi phối đến tác phẩm. Phổ điểm môn ngữ văn sẽ ở mức 6, 7 điểm, số bài đạt điểm 8 trở lên sẽ không nhiều như năm trước. Với môn toán, theo cô Nguyễn Thị Giang (Trường THPT Chu Văn An), đề thi tiếp tục có những câu hỏi liên hệ thực tế như lãi suất ngân hàng, chế tạo sản phẩm... đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng hợp, khả năng vận dụng tốt. Đề thi có sự phân hóa rõ, sẽ không có nhiều thí sinh đạt điểm giỏi, phổ điểm ở mức 5-7 điểm.
Hôm nay, 26-6, thí sinh bước vào ngày thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 với bài thi khoa học tự nhiên (sáng) và ngoại ngữ (chiều).
Tính đến 19h ngày 25-6, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ thí sinh đến dự thi môn ngữ văn đạt 99,55%, môn toán đạt 99,52%. Cả nước có 45 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó Hà Nội có 24 thí sinh. Tại một số tỉnh miền núi phía Bắc có mưa lớn nên một số thí sinh không đến được điểm thi (Lai Châu 11 em, Hà Giang 6 em). Bộ GD-ĐT yêu cầu địa phương đề xuất phương án nhằm bảo đảm quyền lợi cho thí sinh; yêu cầu tất cả điểm thi trên cả nước tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế thi ở các bài thi/môn thi tiếp theo. |