9 thành viên chủ chốt EU thành lập lực lượng can thiệp quân sự chung

Thế giới - Ngày đăng : 21:43, 26/06/2018

Ngày 25-6, tại Luxembourg, 9 nước thành viên chủ chốt của EU đã ký thỏa thuận quốc phòng mang tên “Sáng kiến can thiệp Châu Âu”.

Các thành viên chủ chốt của Liên minh Châu Âu tham gia sáng kiến này gồm: Pháp, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Estonia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh.

Theo đó, một lực lượng can thiệp quân sự chung sẽ được thành lập nhằm tăng cường khả năng phản ứng nhanh của các nước Châu Âu trước các cuộc khủng hoảng không chỉ tại châu lục, mà cả trên thế giới.

Anh và Pháp cũng nằm trong số những nước tham gia "Sáng kiến can thiệp Châu Âu". Ảnh Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly: Reuters.


Được thành lập theo sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, lực lượng quân sự chung có thể nhanh chóng triển khai tới các điểm nóng nhằm đối phó với các mối đe dọa, khủng hoảng về an ninh đối với Châu Âu.

Theo Chính phủ Pháp, sáng kiến về lực lượng phòng thủ chung này tách biệt với cơ chế hợp tác quốc phòng của Liên minh Châu Âu, cho phép Anh có thể tham gia sau khi rời khỏi khối. Anh từ lâu đã rất nỗ lực để xây dựng cơ chế hợp tác quốc phòng của riêng Châu Âu và ý tưởng này đã biến thành những sáng kiến kể từ khi Anh tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về rời khỏi Liên minh Châu Âu năm 2016.

Tờ Người bảo vệ của Anh (Guardian) ngày 25-6 dẫn nguồn tin Chính phủ Pháp cho biết, việc Anh tham gia tổ chức này đóng một vai trò quan trọng, vì lực lượng quân sự của Anh, Pháp có nhiều nét tương đồng, có chung cách tiếp cận phân tích để xử lý các cuộc khủng hoảng và không phải nước nào trong Liên minh Châu Âu cũng có những điểm tương đồng như vậy.

Không chỉ Anh, “Sáng kiến can thiệp Châu Âu” cũng tạo điều kiện cho những quốc gia Châu Âu không thuộc Liên minh Châu Âu (EU) tham gia. Italia, một trong những quốc gia chủ chốt còn lại của Liên minh Châu Âu dù chưa ký tham gia nhưng cũng không lên tiếng loại trừ khả năng sẽ tham gia tổ chức này trong tương lai.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula Von Der Leyen cho biết: “Đây là tập hợp của những nước có cùng chí hướng, mong muốn có những đánh giá chính xác một tình huống ngay ở giai đoạn sớm khi một cuộc khủng hoảng xảy ra tại một nước để có thể đưa ra ý chí chính trị chung”.

Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, “Sáng kiến can thiệp Châu Âu” chủ yếu nhằm tập hợp những nước Châu Âu có tiềm năng quân sự và có mong muốn cùng nhau can thiệp vào nhiều tình huống khác nhau, không nhất thiết là xung đột vũ trang, mà có thể là thiên tai hay sơ tán dân thường.

Sáng kiến này không hề đi ngược lại với các chính sách an ninh và quốc phòng chung, mà thậm chí còn là một sự bổ sung cần thiết cho kế hoạch tham vọng về một nền quốc phòng chung của Châu Âu, vốn đang lâm vào bế tắc do quá trình thực hiện phức tạp và chậm ở quy mô 28 nước thành viên.

Với lực lượng can thiệp quân sự chung được thành lập, Pháp hi vọng có thể khắc phục được điều này và cũng tránh phải hành động một mình như trường hợp từng xảy ra tại Mali năm 2013. Tham vọng của các nhà lãnh đạo Châu Âu là từ nay đến năm 2024 sẽ tạo ra một Châu Âu “có chủ quyền, chiến lược và tự chủ” trong lĩnh vực quốc phòng.

Tuy nhiên, việc thành lập một lực lượng quân sự chiến lược độc lập của Liên minh Châu Âu khiến một số quan chức thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo lắng về sự chồng chéo vai trò và tạo ra khoảng cách với Mỹ. Kể từ năm 2007 đến nay, Liên minh Châu Âu có “4 nhóm chiến đấu” để tham gia lực lượng quân sự quốc tế, nhưng trên thực tế là chưa bao giờ được triển khai.

VOV