Khó đạt điểm cao môn sử, môn địa lý và giáo dục công dân “dễ thở”
Tuyển sinh - Ngày đăng : 12:09, 27/06/2018
Trong khi môn lịch sử được đánh giá khó đạt điểm cao thì môn địa lý và giáo dục công dân lại được cho là môn “gỡ điểm” đối với thí sinh năm nay.
Năm nay, lượng thí sinh đăng ký thi tổ hợp môn KHXH đạt 48% (năm 2017 là 43%). Thí sinh làm bài thi các môn tổ hợp lịch sử, địa lý, giáo dục công dân lần lượt trong thời gian 50 phút mỗi môn, thời gian nghỉ giữa các môn thi thành phần rút ngắn xuống còn 10 phút (so với 20 phút năm 2017).
Theo ghi nhận của phóng viên HNMO, tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An, hầu hết thí sinh đều đánh giá đề thi môn lịch sử năm nay phức tạp, tính chọn lọc, phân loại cao. Nội dung đề thi tập trung nhiều vào kiến thức lớp 12 về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1975, ít câu hỏi về lịch sử thế giới.
Thí sinh Lê Hoàng Vi (Trường THPT Chu Văn An) cho biết: “Em thi môn lịch sử khá nhẹ nhàng. Em thấy số lượng câu hỏi khó trong đề được phân bố vừa đủ để học sinh có thể đạt điểm tốt nghiệp THPT, nhưng cũng có nhiều câu hỏi phân loại được học sinh chuyên sử thi khối C”.
Cùng quan điểm trên với môn lịch sử, thí sinh Đỗ Tùng Lâm (Trường THPT Tây Hồ) cho biết, đề thi phức tạp, có nhiều câu hỏi cần đến tư duy, chứ không phải học thuộc là làm được luôn. “Em chắc chắn làm được khoảng 20 câu trong đề, những câu còn lại em mất nhiều thời gian để suy nghĩ”, Lâm nói.
Trong khi đó, phần lớn thí sinh đánh giá đề thi môn địa lý và giáo dục công dân năm nay rất hay và dễ ăn điểm. Đới với môn địa lý, thí sinh có thể dễ dàng chọn đáp án ở những câu vận dụng lý thuyết và atlat.
Em Đỗ Minh Thành (Trường THPT Đông Đô) tỏ ra tự tin với bài làm môn địa lý: “Phần lớn câu hỏi trong đề thi đều nằm trong nội dung ôn tập của em, hơn nữa những câu vận dụng atlat rất dễ giúp học sinh ăn điểm. Em nghĩ, với đề thi địa lý như thế này, sẽ có rất nhiều bạn đạt điểm cao”.
Ở môn giáo dục công dân, các thí sinh đều hào hứng cho biết, đề thi năm nay "dễ thở", với nhiều câu hỏi xã hội và mang tính thực tiễn. Các tình huống được đưa ra giúp thí sinh có thể áp dụng lý thuyết trên lớp với tư duy cá nhân để lựa chọn đáp án. Nhiều thí sinh chia sẻ, chỉ mất một nửa thời gian quy định (khoảng 25-30 phút) để hoàn thành bài thi môn này.
Em Dương Quỳnh Trang (Trường THPT Tây Hồ) cũng hài lòng với hai bài thi môn địa lý và giáo dục công dân. “Đề giáo dục công dân năm nay rất dễ và hay vì có những tình huống áp dụng trong thực tế”, Trang nói và tự chấm cho mình được khoảng 9 điểm môn này.