"Đề thi năm 2018 khó hơn là hiển nhiên!"
Tuyển sinh - Ngày đăng : 19:00, 27/06/2018
Ông Sái Công Hồng, Cục phó Cục Quản lý chất lượng giải thích các băn khoăn về đề thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh: Như Ý |
Tăng độ khó để phân hóa
Nếu như tại kỳ thi năm 2017, nhiều thí sinh khen đề dễ và sau đó có hiện tượng "mưa" điểm 9-10 thì đề thi một số môn năm 2018 lại khiến thí sinh "bật khóc" vì đề dài, khó. Độ khó của đề thậm chí khiến ngay cả giáo sư cũng "bó tay". Đó là những vấn đề được nêu ra nhiều nhất tại cuộc họp báo kết thúc Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 được tổ chức chiều 27-6.
Giải đáp về độ khó của đề thi, ông Sái Công Hồng cho biết, năm 2018 là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện xây dựng đề thi chỉ tồn tại môn ngữ văn là thi tự luận, còn lại là thi trắc nghiệm khách quan. Mỗi phòng thi có 24 mã đề thi riêng.
Về độ khó của đề thi, Hội đồng ra đề đã tuân thủ đúng theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia. Nội dung đề thi của tất cả các môn đều nằm trong nội dung chương trình lớp 11 (chiếm từ 15%-20%) và chủ yếu là lớp 12 (từ 80% đến 85%).
"Như vậy, toàn bộ nội dung đề thi nằm trong nội dung của chương trình phổ thông, không vượt quá những gì các em đã học" - ông Hồng khẳng định.
Cấu trúc đề thi được giữ nguyên, không thay đổi so với năm 2017, gồm 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao. 40% kiến thức nâng cao vẫn nằm trong chương trình lớp 11 và 12.
Các môn, bài thi, dù là tự luận hay trắc nghiệm khách quan, cũng gồm nhiều cấp độ câu hỏi, từ cấp độ dễ đến cấp độ khó. Với đề thi trắc nghiệm, câu hỏi dễ được tạo thành nhóm phía trên, giúp các thí sinh làm tuần tự những câu hỏi từ dễ đến khó.
Ông Hồng nêu: "Hội đồng đề thi tuân thủ đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo kỳ thi là tăng cường độ phân hóa. Để tăng cường độ phân hóa thì phải có một số câu hỏi được tăng độ khó lên. Phải khẳng định, không phải tất cả đề thi khó mà chỉ có một số câu hỏi dành để phân loại thí sinh khá giỏi. Ví dụ, trong một đề thi bất kỳ, có 50- 60% câu hỏi hoàn toàn cơ bản, học sinh có học lực trung bình có thể làm dễ dàng, còn lại có một số câu dùng để phân loại. Muốn phân loại, lập tức độ khó phải tăng lên".
Cũng theo ông Hồng, nếu so sánh với đề thi năm 2017, độ khó của đề thi năm nay tăng lên là hiển nhiên vì nội dung kiến thức mở rộng ra với cả lớp 11. Các thí sinh đã được thông báo sớm, ngay từ khi học lớp 11 để có sự chuẩn bị.
Ngoài ra, so với năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 3 đề thi: Đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm và đề thi tham khảo để các em được tập luyện nhiều hơn. Năm 2018, Bộ chỉ công bố đề thi tham khảo. Đây không phải đề thi mẫu mà dùng để tham khảo cấu trúc.
"Nếu đề thi mà tất cả các em cùng làm được hoặc không em nào làm được thì không phải là đề thi tốt. Các câu hỏi được phân bố từ dễ đến khó sẽ giúp thí sinh đánh giá sát năng lực của mình hơn" - ông Hồng khẳng định.
Đề mở thì đáp án cũng mở
Đối với đề thi môn Văn, các câu hỏi cũng được chia ra 4 cấp độ từ nhận biết đến vận dụng cao. Do đó, câu hỏi ở cấp độ vận dụng cao thì độ khó cao. Trong nhiều năm gần đây, Bộ ra đề văn theo hướng mở và năm nay cũng vậy.
"Về nguyên tắc, tác phẩm đưa vào đề thi môn văn là chọn tác phẩm ở chương trình lớp 12 và lớp 11 (mỗi lớp một tác phẩm). Như vậy, đề thi năm nay đáp ứng được yêu cầu này của hội đồng ra đề. Chúng tôi đã trao đổi, Tổ ra đề văn khẳng định câu hỏi thứ 2 hoàn toàn chính xác" - ông Sái Công Hồng giải đáp trước băn khoăn của một số giáo viên cho rằng ở câu thứ 2, thuật ngữ "tiềm lực" dùng chưa chính xác mà phải là "nguồn lực".
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Như Ý |
Về cách chấm đề theo đáp án mở, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nêu thêm, từ kỳ thi năm 2014, Bộ đã bắt đầu sử dụng câu hỏi mở. Nguyên tắc câu hỏi mở thì đáp án mở. Tất cả phương án trả lời phải chỉ ra được nội dung cơ bản của câu hỏi đó.
"Thí sinh có thể nêu vấn đề mới nhưng không trái với thuần phong mỹ tục đất nước, không trái pháp luật hiện hành thì được chấm điểm" - ông Trinh khẳng định.
Về vấn đề cân bằng độ khó giữa các mã đề thi, ông Sái Công Hồng cho biết, do kinh nghiệm còn non trẻ, Việt Nam đang học tập từ các tổ chức quốc tế và cố gắng tiếp tục cập nhật, tập huấn nâng cao dần năng lực ra đề, năng lực phân tích cân bằng độ khó. Mọi quy trình sẽ được dần chuẩn hóa.