5 vũ khí đáng sợ nhất của phát xít Đức trong Thế chiến II

Hồ sơ - Ngày đăng : 11:15, 27/06/2018

Phát xít Đức đã phát triển nhiều vũ khí uy lực, giúp họ gây thiệt hại nặng cho Liên Xô và quân Đồng minh trong Thế chiến II.


Phát xít Đức sở hữu một trong những đội quân mạnh nhất trong Thế chiến II. Nhờ sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, lực lượng này đã phát triển được nhiều loại vũ khí nguy hiểm, có uy lực vượt trội những khí tài cùng loại của Liên Xô và phe Đồng minh, theo National Interest.

Xe tăng Panzerkampfwagen VI

Các mẫu thiết giáp chủ lực của Đức trong giai đoạn đầu Thế chiến II đã đặt ra tiêu chuẩn về cơ động nhanh, khả năng sống sót cao và sát thương lớn cho xe tăng hiện đại. Quân đội Đức đã thay đổi chiến thuật sử dụng tăng trong cuộc chiến nay, từ thiên về phòng thủ chuyển thành mũi nhọn tấn công. Sự ra đời của dòng Panzerkampfwagen VI "Tiger I" là bước quan trọng trong sự thay đổi này.

Với khối lượng 44 tấn, Tiger lớn hơn đáng kể so với những mẫu xe tăng cùng thời. Lớp giáp dày và pháo chính cỡ nòng 88 mm khiến nó được xếp vào dòng xe tăng hạng nặng. Ra mắt năm 1942, Tiger I có thể diệt mọi xe tăng đối phương, đồng thời chống chịu được hầu hết các loại đạn chống tăng của phe Đồng minh.

Xe tăng Tiger I tham chiến tại Bắc Phi đầu Thế chiến II. Ảnh: Wikipedia.


Lực lượng xe tăng Tiger I được biên chế thành các tiểu đoàn thiết giáp hạng nặng, chỉ được triển khai trong những chiến dịch đặc biệt quan trọng. Trong khi các dòng xe tăng khác của Đức ưu tiên khả năng phòng vệ và cơ động so với hỏa lực để phục vụ học thuyết chiến tranh chớp nhoáng, các biến thể Tiger lại tập trung vào hỏa lực và khả năng phòng thủ để trở thành những lô cốt di động trên chiến trường.

Tàu ngầm

Hiệu quả của tàu ngầm trong Thế chiến I đã thúc đẩy phát xít Đức đầu tư nguồn lực rất lớn cho nó trong Thế chiến II. Kết quả là các tàu ngầm Đức đã thể hiện sức mạnh khi đánh chìm 2.779 tàu hàng Đồng minh với tổng khối lượng hàng hóa tới 14 triệu tấn trong suốt cuộc chiến. U-48, tàu ngầm thành công nhất trong lịch sử hải quân Đức, đã đánh chìm 51 tàu đối phương với tổng lượng hàng hóa 306.874 tấn.

Lực lượng tàu ngầm Đức đã làm chậm quá trình chở quân và hàng hóa xuyên Đại Tây Dương, buộc quân Đồng minh phải triển khai biên đội tàu hộ tống hùng hậu, cũng như khiến nước Anh rơi vào tình trạng thiếu thốn lương thực và nhu yếu phẩm trong thời gian dài.

Tiêm kích Messerschmitt Bf 109

Đây được coi là một trong những tiêm kích đáng sợ nhất Thế chiến II. Ra đời vào giữa thập niên 1930, Bf 109 sở hữu thiết kế mới gồm thân liền cánh, càng đáp thu lại được và buồng lái kín.

Biến thể Bf 109A từng tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha trước khi quân đội Đức bắt đầu quá trình tái vũ trang cuối thập niên 1930. Khả năng cơ động nhanh và linh hoạt trong không chiến khiến Bf 109 rất khó bị bắn hạ, trong khi hỏa lực gồm hai súng máy 13 mm và một pháo 20 mm giúp nó tiêu diệt nhiều loại tiêm kích đối phương.

Lính không quân Đức bên cạnh một chiếc Bf 109 năm 1940. Ảnh: Wikipedia.


Bf 109A được triển khai đến chiến trường Châu Âu, Bắc Phi và Liên Xô, gần như áp đảo hoàn toàn các lực lượng không quân đối phương cho đến khi bị không quân Anh đánh bại năm 1943. Phần lớn phi công đẳng cấp "át chủ bài" của Đức đều giành được thành tích trên dòng Bf 109 và các biến thể của nó. Có tổng cộng 33.984 chiếc Bf 109 được sản xuất trong cuộc chiến.

Súng máy MG 42

Khi Thế chiến II nổ ra năm 1939, phát xít Đức đã biên chế MG 34, loại súng máy đa năng đáng tin cậy nhưng lại quá đắt đỏ và tốn thời gian chế tạo. Bộ Tư lệnh tối cao Đức muốn trang bị nhiều súng máy hơn cho quân đội, nên đã đặt hàng thiết kế biến thể súng máy bắn nhanh như MG-34, nhưng có chi phí rẻ và tốc độ sản xuất nhanh hơn.

Biến thể MG 42 ra đời để đáp ứng yêu cầu này, sử dụng đạn 7,92 mm với dây đạn 50 hoặc 250 viên. Loại súng này sử dụng các bộ phận thép dập và hàn với nhau theo kỹ thuật mới, giúp giảm 35% thời gian sản xuất. Tổng cộng có 400.000 khẩu MG 42 đã được chế tạo trước khi Đức đầu hàng.

MG 42 có tầm bắn hiệu quả lên tới 700 m. Một kíp xạ thủ có thể thay nòng của nó trong thời gian rất ngắn. Nhiều sử gia quân sự cho rằng MG 42 là khẩu súng máy đa năng tốt nhất từng được chế tạo. Một số biến thể có tốc độ bắn lên tới 1.800 phát/phút, gấp gần hai lần so với các súng tự động của mọi quân đội ở thời điểm đó.

Sau những lần đụng độ với khẩu súng máy đầy uy lực này, lính Mỹ gọi MG 42 là "lưỡi cưa tròn của Hitler", bởi cách nó quạt ngang đội hình khiến bộ binh đối phương ngã gục liên tục. Hồng quân Liên Xô đặt biệt danh "con dao cắt vải" bởi âm thanh xé gió được tạo ra từ tốc độ bắn cực nhanh của MG 42. Người Đức gọi nó là "chiếc cưa xương", thậm chí còn xây dựng chiến thuật bộ binh xoay quanh loại vũ khí này.

Súng chống tăng Panzerfaust

Sau khi đối mặt với số lượng lớn xe tăng Liên Xô và Đồng minh trên chiến trường, quân đội Đức muốn sở hữu loại vũ khí chống tăng giá rẻ nhưng có uy lực lớn. Kết quả là súng chống tăng vác vai Panzerfaust được ra mắt năm 1943.

Lính Đức được trang bị súng chống tăng Panzerfaust. Ảnh: Wikipedia.


Panzerfaust có thiết kế cực kỳ đơn giản, với ống phóng rỗng, một đầu đạn nổ lõm gắn với một ống kim loại chứa thuốc phóng. Loại vũ khí này có tầm bắn hiệu quả 27 m, đủ sức xuyên lớp giáp dày tới 200 mm và tiêu diệt mọi xe tăng Đồng minh trong Thế chiến II.

Việc Đức tung "sát thủ diệt tăng" này ra chiến trường khiến các kíp tăng Đồng minh phải hết sức thận trọng khi đối đầu bộ binh Đức. Một lính Đức trang bị Panzerfaust có thể bắn xuyên giáp xe tăng đối phương, kích nổ bình nhiên liệu hoặc đạn dược, hoặc trực tiếp sát thương những người bên trong. Kíp tăng chỉ có vài giây để thoát khỏi chiếc xe trúng đạn. Ngay cả khi bảo toàn được tính mạng, họ vẫn bị thương nghiêm trọng, chủ yếu là các vết bỏng nặng.

Panzerfaust là một trong số những vũ khí mang tính cách mạng của phát xít Đức trong Thế chiến II. Đức đã sản xuất vài triệu khẩu Panzerfaust, gây thiệt hại nặng cho lực lượng thiết giáp Đồng minh trước khi bị đánh bại. Panzerfaust cũng trở thành hình mẫu cho các dự án vũ khí chống tăng vác vai sau này, trong đó có cả dòng RPG-2 của Liên Xô.

Theo vnexpress