Định hướng xây dựng kinh tế số Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 13:10, 28/06/2018

(HNMO) - Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), để xây dựng kinh tế số, hiện Việt Nam có thuận lợi là tỷ lệ người dân tiếp cận viễn thông và Internet ở mức cao (lần lượt 131% và 53%) nhưng Việt Nam cũng gặp không ít thách thức.


Phát biểu khai mạc, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nền kinh tế số dựa trên nền tảng của công nghệ số và tích hợp công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, đặc biệt là những công nghệ đang và sẽ tác động lớn như lưu trữ và xử lý dữ liệu, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối (blockchain) đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới.


Nền kinh tế số đang diễn ra trên quy mô toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể tận dụng xử lý các vấn đề lớn trong phát triển đất nước và tái cơ cấu ngành Công Thương để bắt kịp xu hướng phát triển của công nghiệp, thương mại; cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tối ưu hóa nguồn lực đầu vào; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. Kinh tế số được dự đoán sẽ mang lại những ảnh hưởng và thay đổi to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số đang tạo ra những xu hướng mới và nhu cầu mới.

“Vì vậy, Việt Nam cần tận dụng khai thác tối đa lợi ích và chuẩn bị tốt nhất với những thay đổi cần thiết để xây dựng kinh tế số trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), để xây dựng kinh tế số, hiện Việt Nam có thuận lợi là tỷ lệ người dân tiếp cận viễn thông và Internet ở mức cao (lần lượt 131% và 53%) nhưng Việt Nam cũng gặp không ít thách thức. Chẳng hạn, chính sách và thể chế chưa liên thông; hệ thống thanh toán chưa thực sự an toàn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cho kinh tế số rất mỏng, thiếu đồng bộ, hệ thống logistic yếu kém; nhân lực về công nghệ thông tin còn thiếu.

Tại hội thảo, ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề xuất, để xây dựng kinh tế số, doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ số hóa, thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa.

Cùng với đó, doanh nghiệp tối ưu hóa mô hình kinh doanh, phát triển kỹ năng mới cho từng cá nhân và tổ chức, sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh; có giải pháp quản lý tài sản trí tuệ trong thời đại số phù hợp với những mô hình kinh doanh và các mô hình hợp tác mới.

Với lĩnh vực khoa học và công nghệ, cần có chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, áp dụng hệ thống quản lý, quản trị theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào giáo dục.

Với lĩnh vực truyền thông, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho ứng dụng phát triển công nghệ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng của toàn bộ nền kinh tế...

Ông JustinWood, Trưởng đại diện WEF khu vực Châu Á-Thái Bình Dương khuyến cáo, sự phát triển kinh tế số của Việt Nam trong tương lai cần có yếu tố của khu vực và trong nước, bởi nhiều công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chỉ phát huy hiệu quả nếu được thực hiện và áp dụng trên phạm vi quy mô quốc gia. Đồng thời, các công nghệ này sẽ phát huy hiệu quả hơn nếu kết nối được với các quốc gia trong khu vực.

T.Hương