Chống tham nhũng - động lực để phát triển bền vững
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:23, 28/06/2018
Các vụ án tham nhũng lớn đều được đưa vào diện giám sát của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Trong ảnh: Phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. |
“Cuộc chiến” cam go
Kỷ luật hơn 840 tổ chức Đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái là số liệu thống kê từ năm 2014 đến nay, vừa được Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng công bố. Những con số “biết nói” trên cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, "cuộc chiến" chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, phức tạp, lâu dài với không ít thử thách.
Tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra, nhiều đại biểu đại diện các cơ quan chức năng đã chỉ rõ những khó khăn, bất cập. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của công tác phòng, chống tham nhũng là phải có một hành lang pháp lý hoàn thiện và đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất. Thực tế đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, cả hai lĩnh vực này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực nhằm loại khỏi bộ máy những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa, kiên quyết thực hiện mục tiêu không có “vùng cấm” trong xử lý vụ án tham nhũng.
Đề cập tới việc thu hồi tài sản tham nhũng, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cho rằng, đây là một trong những lĩnh vực còn nhiều thách thức. Bởi nếu không có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, tài sản bất minh sẽ nhanh chóng bị tẩu tán.
“Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Bộ Công an để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu chứng cứ, tẩu tán tài sản” - Thứ trưởng Lê Quý Vương nêu ý kiến.
Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, bên cạnh những tin, bài có tác động mạnh mẽ, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hoạt động báo chí thời gian qua cũng bộc lộ những mặt hạn chế, có lúc chưa phản ánh đầy đủ kịp thời các vụ tham nhũng, tiêu cực. Một số cơ quan báo chí đưa tin chưa khách quan, có nhiều nhà báo mang danh chống tiêu cực, nhưng lại thực hiện công việc với mục đích khác.
Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao bốn phẩm chất: Cần, kiệm, liêm, chính. Người khẳng định: “Những người trong công sở phải lấy chữ “liêm” làm đầu”. Phải đặt “liêm” lên hàng đầu mới kiến tạo được một chính phủ liêm chính. Tuy nhiên, trên thực tế, một số cán bộ, đảng viên chưa làm tròn bổn phận được Đảng và nhân dân giao phó, có biểu hiện lạm dụng quyền lực để thực hiện hành vi tham nhũng.
Theo nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quyền lực luôn có nguy cơ bị "tha hóa", tham nhũng là "khuyết tật bẩm sinh" của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế.
Tổng Bí thư cũng khẳng định: “Phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói một cách hình ảnh là phải "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế".
Nhận xét về nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Đảng ta thời gian qua, Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, việc lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua vừa thể hiện quyết tâm chính trị cao, vừa thể hiện phương pháp khoa học, thực tiễn.
Đảng đã lãnh đạo thể chế hóa thành các đạo luật như một công cụ pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng. Từ Pháp lệnh Chống tham nhũng, trở thành Luật Phòng, chống tham nhũng và sau lần sửa đổi, bổ sung năm 2012, hiện nay đạo luật này tiếp tục được sửa đổi để nâng cao hiệu quả "thanh bảo kiếm" pháp luật. Hành lang pháp lý về phòng, chống tham nhũng đã và đang được hoàn thiện, qua đó tạo thêm sức mạnh chống tham nhũng.
Chỉ đạo việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phòng, chống tham nhũng là công việc hệ trọng, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì; chúng ta tuyệt nhiên không được tự thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng thời gian tới là phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng...
Sinh thời, Bác Hồ cũng đã từng căn dặn, phải "làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp".