Điều chỉnh tốc độ được phép lưu thông: Cần thận trọng xem xét

Giao thông - Ngày đăng : 06:48, 29/06/2018

(HNM) - Tai nạn giao thông đến từ nhiều nguyên nhân, không phải chỉ do vấn đề tốc độ. Bởi vậy, tăng hay giảm tốc độ đều cần thận trọng xem xét trong từng trường hợp cụ thể...

Biển báo tốc độ trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Tạ Tôn


Lo ngại gia tăng tai nạn

Sau hơn 2 năm Thông tư 91/2015 của Bộ GT-VT (quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, có hiệu lực từ tháng 3-2016) cho phép tốc độ lưu thông trên các tuyến đường tăng thêm 10km/h, một số ý kiến cho rằng, việc tăng tốc độ là nguyên nhân khiến tai nạn giao thông gia tăng và đề xuất giảm tốc độ để kéo giảm tai nạn.

Trong đó, giữa tháng 6-2018, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP Hồ Chí Minh, đã có văn bản đề xuất cơ quan chức năng điều chỉnh tốc độ theo hướng giảm tối đa được phép tại một số tuyến đường đặc thù như: Quốc lộ 1 đoạn từ vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) đến cầu Đồng Nai; đường Phạm Văn Đồng (từ vòng xoay Nguyễn Kiệm đến vòng xoay Linh Đông, quận Thủ Đức); đường Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Văn Lượng, Phan Văn Trị (quận Gò Vấp)... Có đề xuất này là do từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình tai nạn giao thông có nhiều diễn biến phức tạp, số người chết tăng cao...

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I-2018, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cũng đã đề xuất điều chỉnh giảm tốc độ trên một số tuyến cao tốc hiện nay nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Trong đó, đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ giảm tốc độ tối đa từ 100km/h xuống 80km/h, đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình là 100km/h thay vì 120km/h. Sau này, khi các tuyến cao tốc hoàn thiện, tốc độ có thể nâng lên 120, 140, 160km/h.

Như vậy, các đề xuất kéo giảm tốc độ lưu thông cho phép trên các tuyến cao tốc, quốc lộ và các tuyến đường đặc thù đều xuất phát từ lo ngại gia tăng tai nạn giao thông.

Tìm giải pháp phù hợp

Trước những ý kiến đề xuất này, nhiều chuyên gia giao thông và đại diện doanh nghiệp vận tải cho rằng, cần có cách nhìn đúng về các nguy cơ làm gia tăng tai nạn giao thông để có những giải pháp quản lý và xử lý hiệu quả. Nguyên nhân gây tai nạn giao thông không chỉ là tốc độ, mà còn nhiều yếu tố khác. Vấn đề là ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông phải được nâng lên, đồng thời cần nâng cao trách nhiệm những người quản lý giao thông và thực thi công vụ. Giảm tốc độ trong bối cảnh này chỉ khiến thời gian đi lại tăng lên, tạo điều kiện phát sinh tiêu cực. Quan trọng hơn, khi điều chỉnh giảm tốc độ, liệu tai nạn giao thông có giảm hay không?

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đầu tư hạ tầng giao thông là để tạo điều kiện cho các loại phương tiện tăng tốc độ nhằm rút ngắn thời gian đi lại của người dân. Việc kéo giảm tốc độ là đi ngược với xu hướng trên nên cần cân nhắc.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, cần thận trọng, có đánh giá nguyên nhân, hiệu quả rõ ràng trước khi quyết định. Kết quả phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy, phần lớn vụ xảy ra do lái xe vi phạm các nguyên tắc cơ bản như đi sai phần đường, làn đường, chuyển hướng thiếu quan sát, uống rượu bia, vượt sai quy định... Thời gian qua đã có nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, xây mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Với những tuyến đường có điều kiện tốt, kiểm soát giao cắt xung đột tốt có thể được khai thác vận hành ở tốc độ cao hơn, việc nâng tốc độ giới hạn là phù hợp, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường mà vẫn bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực trạng giao thông vận tải ở Việt Nam rất đa dạng, ngay cùng một loại đường nhưng mức độ an toàn có thể khác nhau, bởi vậy nếu áp dụng nguyên tắc tốc độ giới hạn một cách đồng nhất, có thể tạo ra những vấn đề về tai nạn giao thông. Quy định tốc độ thấp trong khi có thể đi an toàn ở tốc độ cao hơn sẽ dẫn tới tình trạng có rất nhiều xe vi phạm. Ngoài ra, không phải chỗ nào tốc độ thấp cũng an toàn. Do đó, tăng hay giảm tốc độ cho phép đều cần thận trọng xem xét trong từng trường hợp cụ thể, với những bằng chứng thuyết phục, vì ảnh hưởng tới người dân và vấn đề kinh tế.

Tuấn Khải